Thị trường lao động cuối năm: “Giật gấu vá vai”
(ANTĐ) - Dự báo của ngành Lao động cho thấy, nhu cầu việc làm cuối năm tại thị trường Hà Nội thì trình độ đại học, cao đẳng sẽ chiếm khoảng 20%; trung cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 40%. Đặc biệt, nhu cầu lao động có trình độ sơ cấp, lao động phổ thông chiếm đến 40%.
Nhu cầu tuyển dụng lao động tập trung vào các nhóm ngành, nghề như: marketing, nhân viên kinh doanh, quản lý điều hành, dịch vụ, xây dựng, chế biến lương thực - thực phẩm... Các chuyên gia nhận định, hiện đã bắt đầu bước vào thời điểm sôi động của thị trường lao động Hà Nội. Khác những năm trước, các doanh nghiệp đã tham gia tuyển dụng lao động sớm hơn cho kế hoạch sản xuất cuối năm vì lo ngại khó tuyển dụng lao động vào chính vụ.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tuyển dụng lao động dịp cuối năm (Trong ảnh: phỏng vấn, tuyển dụng lao động tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội) ảnh: Phú Khánh |
Việc tuyển dụng nhân sự cuối năm của các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn nếu nguồn cung vẫn tiếp tục thiếu và yếu như hiện nay. Theo đó sẽ tăng vọt chi phí tuyển dụng và cũng không thể đáp ứng kịp nhu cầu lao động. Tính trung bình của các doanh nghiệp, ở thời điểm hiện nay, để tuyển được một lao động phải trả cho đơn vị môi giới ít từ 500 - 700 nghìn đồng. Sau khi tuyển dụng thành công, doanh nghiệp tiếp tục phải đào tạo miễn phí, thường là 3 tháng, nhưng vẫn phải trả lương thử việc. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có thêm các ưu đãi như xây nhà ở, nhà trẻ cho công nhân, miễn phí ăn trưa... Như vậy, để có được một lao động làm việc chính thức tại công ty, doanh nghiệp phải tốn chi phí lên đến 5-6 triệu đồng. Với việc tuyển dụng khó như hiện nay thì các chi phí sẽ tăng ít nhất là gấp rưỡi.
Khó khăn cho doanh nghiệp trong tuyển dụng lại là cơ hội tìm việc của lao động. Hiện nay cơ hội tìm việc làm đối với lao động không khó, vì vậy mặc dù đã có việc làm nhưng họ vẫn thường “nhảy việc”. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này đó là bất cập về chính sách lương cho người lao động. Hiện, mặt bằng lương tối thiểu nói chung thấp (khoảng 1 triệu đồng/người/tháng), lại duy trì nhiều năm nay với mức tăng dè dặt chưa đủ sức níu chân người lao động trong khi giá cả đang ngày càng leo thang. Với mức lương khoảng 1,3 triệu đồng cũng khó có thể yên tâm làm việc bởi họ phải trả tiền thuê nhà, tiền phí...
Mặc dù biết rõ những rào cản trong quá trình tuyển dụng nhưng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp làm ăn tốt cũng không thể tăng quá cao so với mức quy định. Họ chỉ có thể căn cứ vào mức lương khởi điểm để bù đắp các phụ phí khác. Do vậy, nguồn cung không thể đáp ứng nhu cầu đang ngày càng nhiều hiện nay.
Bên cạnh chính sách tiền lương, một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc giữ chân lao động, đặc biệt là lao động có trình độ, kỹ năng cao. Bà Nguyễn Ngọc Trinh, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Giới thiệu việc làm Thanh niên lấy ví dụ, một kế toán khi vào làm việc tại một doanh nghiệp khi đã học được những kinh nghiệm của doanh nghiệp, họ tự tìm việc làm mới với mức lương cao, thậm chí nhiều người mở công ty tự đứng ra kinh doanh... Vì vậy, bên cạnh chiến lược giữ chân lao động doanh nghiệp cũng cần thích nghi với những xu hướng này và có chính sách dự trù, thay thế nhân sự khi cần.
Huệ Chi