Thi THPT quốc gia: Thí sinh lo đề khó

ANTĐ - Trước lo lắng của nhiều thí sinh về đề thi THPT quốc gia sau khi nghiên cứu đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, đề thi sẽ được chỉnh sửa, phân định rõ câu hỏi dễ và khó thay vì trộn lẫn như dự kiến ban đầu.
Thi THPT quốc gia: Thí sinh lo đề khó ảnh 1

Đề thi THPT sẽ phân định rõ phần kiến thức cơ bản và nâng cao

Lo trượt tốt nghiệp THPT

Qua các kỳ thi thử, cũng như tham khảo đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, nhiều học sinh, giáo viên đánh giá đề thi khá khó, nhất là với học sinh chỉ có mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. “Các năm trước, việc thi đỗ tốt nghiệp không quá áp lực đối với phụ huynh, học sinh nhưng năm nay, khả năng trượt tốt nghiệp là không nhỏ khi đối chiếu với đề thi minh họa. Trong khi đó, Bộ GD-ĐT không phân định rõ phần nào để thi tốt nghiệp THPT, phần nào để xét tuyển đại học khiến thí sinh càng thêm bối rối và sẽ bị ảnh hưởng tâm lý khi vấp phải một vài câu hỏi khó ngay khi bắt đầu làm bài thi” - bà Nguyễn Vân Anh, phụ huynh học sinh trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội lo ngại.

Đây cũng là ý kiến của đại diện Sở GD-ĐT Tuyên Quang và Hà Giang tại buổi làm việc ngày 25-5 giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và UBND tỉnh Tuyên Quang về công tác chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia. Giám đốc Sở  GD-ĐT Hà Giang, ông Vũ Văn Sử thắc mắc: “Kỳ thi năm nay chỉ có một đề thi và không có sự phân biệt giữa thí sinh THPT và thí sinh giáo dục thường xuyên, trong khi trình độ học sinh có sự chênh lệch do năng lực, mục tiêu khác nhau. Vậy làm thế nào một đề thi có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả các đối tượng dự thi?”. 

Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh cho biết, ngay sau khi đề thi minh họa đưa lên mạng, Cục đã có bộ phận phân tích, tiếp thu  các phản hồi để chỉnh sửa làm sao tạo thuận lợi nhất cho thí sinh. Hiện tại, Bộ GD-ĐT đã quyết định không trộn lẫn câu hỏi dễ, khó trong đề thi mà phân định rõ ràng để tạo điều kiện cho thí sinh. Cụ thể, cấu trúc đề thi gồm khối câu hỏi cơ bản và khối câu hỏi nâng cao được tách riêng biệt. “Điều kiện xét tốt nghiệp cho các em năm nay không chỉ có điểm trung bình 4 môn thi (50%) mà còn tính cả điểm trung bình năm lớp 12 (50%), ngoài ra còn điểm khuyến khích theo đối tượng, theo khu vực. Vì vậy, học sinh, phụ huynh không nên quá lo lắng”, ông Trinh phân tích.

Tạo mặt bằng trung thực, khách quan

Còn hơn 2 tháng nữa kỳ thi THPT quốc gia sẽ bắt đầu. Theo Bộ GD-ĐT, công tác làm đề thi vẫn chưa chính thức khởi động. Trước băn khoăn về độ khó dễ của đề thi năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, từ nay đến khi bắt đầu làm đề thi, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến từ các địa phương về đề thi minh họa để công tác thiết kế đề thi đáp ứng được yêu cầu sao cho các trường hợp chỉ thi tốt nghiệp THPT không có áp lực và phân luồng tốt ở nhóm trên để vào đại học.

Trước thông tin từ Bộ GD-ĐT về hướng chỉnh sửa đề thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT công bố thêm đề thi minh họa theo thiết kế mới để học sinh yên tâm. Phân tích rõ mục đích của kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Chúng ta đổi mới cách thi nhưng vẫn dựa trên kết quả học sách giáo khoa cũ, phương pháp giảng dạy cũ, chương trình cũ…, vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia không phải là siết chặt lại mà tạo một mặt bằng trung thực, khách quan, đánh giá đúng năng lực của học sinh, làm cơ sở, điều kiện cho quá trình đổi mới. Đồng thời, tạo đà cho cả hệ thống vào cuộc, xã hội đồng thuận, có lòng tin vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”.

Dự báo trước những khó khăn của các tỉnh vùng sâu, vùng xa khi triển khai cụm thi THPT quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cụm thi do địa phương chủ trì cần bảo đảm chỗ ăn, ở, đi lại cho thí sinh và phụ huynh, trong đó, phải hết sức lưu ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Phải hỗ trợ để không có em nào vì khó khăn mà không được thi.