Thận trọng với đề thi thử THPT quốc gia

ANTĐ - Tổ chức cho học sinh thi thử để làm quen với kỳ thi THPT quốc gia đang được các trường THPT triển khai, thậm chí có trường đã thi hết vòng 3. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng đủ khả năng ra đề thi tương ứng với đề thi thật khi đây là lần đầu cả nước thi chung một đề thi với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.

“Mong đề thi thật dễ hơn thi thử”

Đây là tâm sự của một học sinh trường THPT Trần Phú sau khi trải qua một vòng thi thử kỳ thi THPT quốc gia do nhà trường tổ chức. Theo Nguyễn Nhật  Minh, học sinh lớp 12 trường này thì mặc dù đăng ký đúng 4 môn “tủ” của mình nhưng kết quả thi thử không cao như em mong muốn. “Các câu hỏi khá khó. Vì muốn thi vào Đại học Ngoại thương nên em cảm thấy khá lo lắng khi điểm thi thử của mình không đạt điểm chuẩn của trường Ngoại thương năm trước” - Nguyễn Nhật Minh tâm sự.

Bên cạnh đó, khi tham khảo đề thi thử do Sở GD-ĐT TP. HCM tổ chức, Nguyễn Nhật Minh càng cảm thấy áp lực bởi đề thi vượt quá trình độ của mình. “Em chỉ mong đề thi thật không khó như vậy. Hy vọng đây là kỳ thi đầu tiên nên Bộ GD-ĐT sẽ không yêu cầu quá cao” - Minh bày tỏ.

Chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, học sinh, giáo viên đang vào giai đoạn nước rút ôn tập và kiểm tra, thi thử. Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa cho biết, trường đã tổ chức nhiều vòng thi thử. Qua đó, học sinh đã tiếp cận và tích lũy được nhiều kỹ năng làm bài thi với quy trình, cách thức ra đề dựa vào đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT. Cao điểm của đợt ôn tập của trường này sẽ tập trung trong tháng 6 và kết thúc bằng kỳ thi thử vào cuối tháng.

Thận trọng với đề thi thử THPT quốc gia ảnh 1

Thí sinh Hà Nội tập dượt với kỳ thi THPT quốc gia qua các đợt thi thử

Tại trường THPT Lương Thế Vinh, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà trường cho biết, trường đã tổ chức 3 vòng thi thử với rất đông học sinh tham gia. Theo PGS Văn Như Cương, việc thi thử cũng giúp học sinh ổn định phong cách làm bài thi, tránh những sai sót về kỹ thuật làm bài và rút ra những điểm yếu của bản thân khi đối chiếu đáp án.


Không cấm nhưng không được thu tiền

PGS Văn Như Cương cũng cảnh báo, việc thi thử cần hết sức thận trọng vì phải đảm bảo đề thi thử càng giống đề thi thật càng tốt. Rõ ràng nếu chất lượng đề thi thử không đáp ứng yêu cầu sẽ không đánh giá đúng năng lực của học sinh. Khó quá hay dễ quá cũng đều ảnh hưởng không tốt tới tâm lý học sinh.

Để giải quyết vấn đề này, tại TP. HCM, ngày 11-5, Sở GD-ĐT đã tổ chức cho hơn 40.000 học sinh lớp 12 thi thử kỳ thi THPT quốc gia. Đề thi được chính Sở GD-ĐT TP. HCM biên soạn với mục tiêu  kiểm tra lại việc chuẩn bị kiến thức của học sinh để giáo viên kịp thời bổ sung những thiếu sót, lỗ hổng. Đề thi được lãnh đạo Sở này tuyên bố đã được biên soạn theo hướng bám sát cấu trúc đề thi của Bộ, đảm bảo mục tiêu phân hóa học sinh theo 2 hướng xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ. 

Tuy nhiên, tại Hà Nội, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Sở không có chủ trương đứng ra tổ chức thi thử. Mặc dù vậy, Sở cũng không cấm các trường tổ chức các kỳ thi thử theo nguyện vọng của phụ huynh, học sinh tuy nhiên phải đảm bảo chất lượng kỳ thi thử đánh giá đúng năng lực của học sinh. “Sở GD-ĐT yêu cầu các trường tuyệt đối không được thu tiền thi thử. Việc tổ chức thi thử phải theo nguyện vọng của học sinh, không bắt buộc. Đây được coi là một trong những hoạt động bồi dưỡng văn hóa cho học sinh, vốn là nhiệm vụ của các trường” - ông Phạm Văn Đại cho biết.

Là lần đầu tiên tiếp cận với yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức-Hà Nội cho biết, nhà trường không tự đứng ra làm đề thi thử mà phải nhờ vào cơ quan chuyên môn xây dựng đề thi theo đúng định hướng, mục tiêu của Bộ GD-ĐT được thể hiện qua đề thi minh họa.

Được biết, các năm trước, nhà trường vẫn tổ chức thi thử kỳ thi tốt nghiệp THPT cho học sinh do giáo viên của trường tự ra đề nhưng với yêu cầu mới năm nay, ông Nguyễn Quốc Bình chia sẻ: “Để đảm bảo chất lượng đề thi thử đạt yêu cầu, năm nay, giáo viên nhà trường tạm thời không đảm nhiệm việc ra đề mà phải từ năm sau, khi nhà trường tích lũy đủ kiến thức và  kinh nghiệm”.