Thí sinh thi đại học khóc ròng vì không lường được điểm chuẩn "lạm phát"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Với mức tăng tới 5-6 điểm so với năm 2020, nhiều thí sinh 26 điểm vẫn trượt tất cả nguyện vọng và có thí sinh 30 điểm vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1 vì điểm chuẩn lên tới 30,5.
30 điểm vẫn trượt đại học, thí sinh sốc vì điểm chuẩn tăng vọt

30 điểm vẫn trượt đại học, thí sinh sốc vì điểm chuẩn tăng vọt

Hết ngày 16-9, các trường ĐH cả nước đã công bố điểm chuẩn xét tuyển năm 2021. Nhiều chuyên gia tuyển sinh đã nhận định về hiện tượng "lạm phát" điểm chuẩn năm nay gây bất ngờ cho nhiều người.

Mức tăng trung bình các ngành tới 5-6 điểm khiến thí sinh không kịp xoay sở dù đã được ưu tiên điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến 3 lần.

Với những thí sinh đạt điểm khá cao từ 26, 27 điểm trở lên sẽ có tâm lý chỉ đặt 3 đến 4 nguyện vọng tập trung vào những ngành mong muốn nhất mà không đặt nguyện vọng dự phòng cho việc điểm chuẩn tăng từ 5 đến 6 điểm so với năm 2020.

Tuy nhiên, với mức điểm của khối kinh tế như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương thấp nhất là 26,9 và nhiều ngành trên 28 điểm thì thí sinh đạt điểm cao bị trượt hết nguyện vọng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Chưa kể, cá biệt có những trường có mức điểm chuẩn không tưởng 30, thậm chí 30,5 như trường ĐH Hồng Đức vừa công bố mức điểm trúng tuyển ngành Sư phạm Ngữ văn thì việc thí sinh đạt điểm tuyệt đối 3 môn vẫn trượt ĐH là không thể dự đoán.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, có nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn của các trường năm ngoái đã cao, năm nay càng cao hơn như: mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường top, ngành hot; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm...

Bên cạnh đó, số lượng thí sinh dự thi tăng vọt ảnh hưởng đến việc điểm chuẩn tăng.

Năm nay, việc thêm phương thức tuyển sinh theo hình thức xét tuyển kết hợp, xét tuyển thẳng của của nhiều trường ĐH đã dẫn đến chỉ tiêu dành cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm còn khoảng 60%, nhiều trường chỉ còn 30 đến 40%.

Phân tích nguyên nhân điểm chuẩn tăng mạnh, nhiều ý kiến cho rằng đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT năm nay không đảm bảo tính phân hóa cao, đặc biệt với khối D01 và A01.

Với độ phân hóa đề thi như hiện tại, ông Triệu cho rằng, trong thời gian tới, các trường sẽ tính đến việc giảm sự phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, chủ động đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo yêu cầu của từng trường.

Về phía thí sinh, với những trường hợp không trúng tuyển trong đợt 1 này càn bình tĩnh cân nhắc cơ hội trong đợt tuyển sinh bổ sung.

Tại khu vực phía Bắc, Học viện Quản lý giáo dục thông báo sẽ xét tuyển bổ sung đợt 1 hệ đại học chính quy dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021.

Học viện xét tuyển bổ sung ở 9 ngành với 375 chỉ tiêu. Điểm trường nhận hồ sơ ở hầu hết các ngành đều từ 16. Trường nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ ngày 16/9 đến 17h ngày 30/9.

Học viện Hàng không Việt Nam cũng thông báo tuyển bổ sung 50 chỉ tiêu ngành Công nghệ kỹ thuật Điều khiển và Tự động hoá dựa trên kết quả học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT.