Thế giới vẫn nhiều biến động trong năm 2012

ANTĐ - Nhìn lại một năm không ít sóng gió vừa qua có thể nó, thế giới năm 2011 chứng kiến đầy ắp những sự kiện lớn, tác động đến tình hình chính trị và an ninh mỗi quốc gia, trước thềm 2012 đang đến gần, các chuyên gia phân tích quốc tế đã cho rằng nhiều khả năng chuyện của năm cũ sẽ còn chế ngự trong năm mới.

Chỉ còn vài ngày nữa, cả thế giới sẽ bước vào năm mới 2012. Năm 2011 đi qua là một năm đầy biến động trên thế giới, gây khó khăn thêm cho gần như tất cả các quốc gia và khu vực trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế, củng cố ổn định và tăng cường an ninh, đối phó với khủng hoảng và giải quyết các vấn đề xã hội. Chính biến ở khu vực này, tình hình chính trị an ninh ở khu vực khác, khủng hoảng tài chính và nợ công ở không ít quốc gia thành viên EU, thiên tai, trì trệ trong lĩnh vực bảo vệ khí hậu trái đất, tự do hóa mậu dịch toàn cầu và giải quyết các cuộc xung đột khu vực đã làm cho môi trường phát triển bên trong cũng như bên ngoài của các quốc gia và khu vực không được thuận lợi như trước.

Sự thay đổi cơ cấu lãnh đạo

Từ sự kiện chính trị nổi cộm nhất trên thế giới trong năm 2011 là cách mạng “Mùa xuân Arab” cho thấy những biến động chính trị ở một số quốc gia Bắc Phi - Trung Đông đang tiếp tục khiến dư luận lo ngại về nguy cơ của những can thiệp từ bên ngoài sẽ là những gạch đầu dòng đáng chú ý trong năm 2012. Chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông chưa thể nói đã đi vào hồi kết và không hẳn rồi sẽ cứ tiếp tục chiều hướng diễn biến như từ trước tới nay. Ít khả năng lặp lại chiến tranh như đã xảy ra ở Libia nhưng bạo lực và bạo loạn vẫn còn bùng phát và tiếp diễn ở nhiều nơi.

Hàng loạt cuộc bầu cử Tổng thống sẽ diễn ra trong năm 2012 ở gần 20 quốc gia khắp các châu lục, trong đó có Mỹ, Pháp, Nga, Mexico, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Mông Cổ, Venezuela, Dominica, Đông Timor, Iceland, Ghana, Kenya, Mali, Sierra Leone, Lesotho, Yemen, Ai Cập... Các cuộc bầu cử cứ “đến hẹn lại lên” nhưng có thể tạo ra sự thay đổi về cơ cấu lãnh đạo của các quốc gia. Đây sẽ là sự kiện nổi bật, hứa hẹn nhiều bất ngờ xuyên suốt năm 2012. Trong đó, bầu cử tại các nước thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc như Mỹ, Pháp, Nga cũng như Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc được đánh giá… sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến tình hình thế giới.

Suy thoái toàn cầu tiếp diễn

Tuy nhiên vấn đề được nhiều nhà phân tích nhấn mạnh là kinh tế thế giới năm tới. Khủng hoảng nợ công đang lan rộng trên khắp châu Âu lẫn Mỹ. Chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc sẽ chẳng thể giúp họ giải quyết vấn đề mà chỉ khiến mọi thứ trở nên trầm trọng hơn, dẫn đến hậu quả khủng hoảng ở châu Âu và Mỹ nhiều khả năng tác động mạnh mẽ và lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Trong bài trả lời phỏng vấn trên báo Pháp Journal du Dimanche mới đây, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng kinh tế thế giới đang trong tình huống nguy hiểm. Theo bà, khủng hoảng nợ sẽ tiếp diễn trong năm 2012 và đây là cuộc khủng hoảng niềm tin về vấn đề nợ công và tính bền vững của hệ thống tài chính.

2011 là năm các quốc gia trong khu vực đồng Euro nhận ra vai trò quan trọng của thể chế này đối với sự sống còn của họ. Do đó, 2012 sẽ là năm nỗ lực cứu đồng tiền chung châu Âu, nó quyết định tương lai của cả châu Âu thông quá quá trình củng cố và làm mạnh hơn khu vực đồng Euro. Theo bà Christine Lagarde, các nền kinh tế mới nổi, động lực tăng trưởng kinh tế thế giới trước khủng hoảng, trong đó có Nga, Brazil, Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Việc tiếp tục khan hiếm tín dụng, những khó khăn nợ công, thiếu sức cạnh tranh, sự khắc khổ tài chính cùng việc giảm bớt đầu tư của các doanh nghiệp và tiếp tục sa thải nhân lực của khu vực tài chính là đề tài được khai thác trên các phương tiện truyền thông trong thời gian tới. Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cũng đưa ra dự báo thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2012 sẽ vô cùng khó khăn, bên cạnh đó là sự suy yếu của đồng USD và giá dầu thô sẽ lập kỷ lục mới.

Công nghệ và “chiến tranh” mạng

Theo đánh giá của tờ Guardian, năm 2012 sẽ chứng kiến thêm thành công của hàng loạt thiết bị kết nối Internet di động và những thế hệ điện thoại thông minh mới hỗ trợ nhu cầu giao tiếp của mọi người. Apple đã thông báo sẽ cung cấp dịch vụ Apple TV trong năm 2012. Khi đó, chiếc máy iPhone sẽ trở thành thiết bị điều khiển từ xa. Apple TV sẽ hoạt động như thế nào vẫn còn là dấu hỏi để các tín đồ Apple khám phá. Trong lĩnh vực công nghệ, năm 2011 là năm chứng kiến sự tăng lên đáng kể các vụ tấn công mạng vô cùng nghiêm trọng và ngày càng tinh vi của giới tin tặc trên phạm vi toàn cầu. Do đó, năm 2012 có thể là năm một cuộc “chiến tranh” mạng thực sự bùng nổ mà hậu quả của nó là thị trường tài chính sụp đổ, mạng lưới giao thông vận tải bị tàn phá… Siêu virus Stuxnet mới chỉ là khúc dạo đầu dự báo cho một cuộc “chiến tranh” mạng có thể bùng nổ vào năm 2012. Hậu quả của “chiến tranh mạng” sẽ làm thay đổi phương thức các quốc gia tương tác với nhau và tạo ra một sự bùng nổ liên quan đến các giải pháp an ninh mạng.

Trái đất vẫn đang kêu cứu (!)

Hiện tượng ấm lên của trái đất đang là mối đe dọa thế giới và rất cần sự chung tay giải quyết của các quốc gia. Các chuyên gia môi trường cho rằng, nhiệt độ trái đất vẫn đang ngày càng tăng lên, làm cho nước biển dâng cao, thảm họa thiên nhiên tăng cường... đang đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu con người. Không ít nhà khoa học cũng cảnh báo, thế giới không thể chậm hơn nữa trong cuộc đua với biến đổi khí hậu đang đi vào những giờ chót.

Chỉ trong 10 năm qua, 3.852 thảm họa tự nhiên đã cướp đi hơn 780.000 người, ảnh hưởng tới hơn 2 tỷ người khác và gây tổn thất khoảng 960 tỷ USD. Theo dự đoán, với sự xấu đi của bầu khí quyển như hiện nay, số thảm họa tự nhiên trong 10-15 năm tới có thể tăng gấp đôi. Tình trạng di cư do môi trường đã tăng lên mức kỷ lục, xung đột do thiếu nước sạch, năng suất nông nghiệp thấp dần, mất đi sinh kế, khủng hoảng năng lượng, sức khỏe giảm sút... cũng là những nguy cơ lớn nhất với nhân loại do biến đổi khí hậu gây ra.  

Báo cáo mới nhất của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc nhấn mạnh, tác động từ hiện tượng ấm lên của trái đất đã trở thành mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh thế giới, khiến việc phải có một quyết tâm chính trị nhằm cắt giảm khí CO2 của tất cả các quốc gia là con đường bắt buộc để bảo vệ hành tinh xanh. Điều chớ trêu là để cứu ngôi nhà chung trước thảm họa do chính con người gây ra đã được tất cả các nước nhìn nhận là vấn đề khẩn thiết, nhưng trên thực tế cho thấy, việc dung hòa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài là không dễ. Bài toán cứu trái đất vẫn chưa có lời giải. Trái đất lại phải chờ đợi những “thiện chí của con người” tại COP-18 ở Qatar năm 2012. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu cần sự đồng lòng - chung sức và quan trọng hơn, các nước cần đặt lợi ích chung của toàn cầu lên trên lợi ích của từng quốc gia. Đây là yếu tố then chốt để cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có thể đạt được bước tiến cần thiết trong tương lai

Bối cảnh tình hình chung sẽ không thuận cho quá trình giải quyết những vấn đề thời sự chung cả cả thế giới như bảo vệ khí hậu trái đất, thực hiện những mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc hay kết thúc thành công “Vòng đàm phán Doha” của WTO, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên, xung đột ở Trung Đông... dễ dàng có được tiến triển với tác động khai thông đột phá.

Năm 2012 xem ra vẫn nhiều khó khăn và thách thức đối với mọi quốc gia và khu vực. Sự chuyển dịch trong tương quan lực lượng chung trên thế giới và quan hệ quốc tế cũng như trọng tâm ưu tiên chính sách của các nước; vẫn tiếp tục và sẽ buộc tất cả phải sắp xếp lại các mối quan hệ với bên ngoài, cả đồng minh lẫn đối tác. Chỉ như vậy mới có thể tìm ra và gây dựng được cơ hội mới cho tăng trưởng bền vững và đảm bảo an ninh trong năm mới.

 Một trong những điều khiến 2012 là năm đặc biệt được đón chờ là chuyện có hay không ngày tận thế theo lịch của người Maya. Nhiều nhà khoa học đã đưa ra luận cứ chứng minh sẽ không có ngày tận thế, bác bỏ kịch bản của bộ phim nổi tiếng 2012. Còn nhớ, tháng 5 vừa qua, Harold Camping, người sáng lập Đài Phát thanh Family Radio tuyên bố 21-5-2011 là ngày phán xét. Camping dự đoán khoảng 200 triệu người trên thế giới sẽ có đủ tiêu chuẩn để được lên thiên đường trước khi trái đất bị hủy diệt. Tuy nhiên, mọi sự vẫn bình yên.