Thế giới ứng phó với biến thể phụ của Omicron có khả năng “tàng hình”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hai năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một phiên bản đột biến của biến thể Omicron (được gọi là BA.2) đã trở thành thách thức mới nhất. Được phát hiện ở ít nhất 57 quốc gia, BA.2 lây lan thậm chí còn dễ dàng hơn so với biến thể ban đầu BA.1.
Biến thể phụ BA.2 của Omicron đã trở thành thách thức mới nhất của virus SARS-CoV-2

Biến thể phụ BA.2 của Omicron đã trở thành thách thức mới nhất của virus SARS-CoV-2

“Tàng hình” và dễ lây lan hơn

Ngày 31-1 Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Ghebreyesus cho biết, WHO đang theo dõi 4 dòng phụ của biến thể Omicron, bao gồm BA.2 - chủng đã được xếp sang loại “biến thể đáng quan tâm”. “Các trình tự gene BA.2 được gửi đến Cơ sở dữ liệu công cộng GISAID từ 57 quốc gia cho thấy, tỷ lệ mắc BA.2 so với các chủng Omicron khác tăng lên hơn 50% trong thời gian 6 tuần qua ở một số quốc gia”.

Biến thể phụ BA.2 lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 11-2021. Đáng chú ý, ở Đan Mạch, nó mới chỉ xuất hiện từ đầu năm 2022 nhưng đã tăng trưởng theo cấp số nhân và nhanh chóng trở thành biến thể chiếm ưu thế khoảng 82% các trường hợp nhiễm Omicron. “Nghiên cứu đối với 17.945 người từ ngày 20-12 đến ngày 18-1 chỉ ra rằng, sự lây lan nhanh chóng của BA.2 có thể liên quan đến khả năng lây truyền của nó. Ngoài ra, còn có bằng chứng về đặc tính né tránh miễn dịch của biến thể phụ này” - Viện Nghiên cứu Statens Serum của Đan Mạch cho biết. Theo Statens Serum, nguy cơ một người bị nhiễm biến thể BA.2 sẽ truyền virus cho các thành viên trong gia đình của họ là 39%, so với tỷ lệ 29% ở biến thể BA.1 ban đầu.

Bên cạnh đó, BA.2, đôi khi được biết đến như một biến thể phụ “tàng hình”, không có gene mục tiêu bị thiếu giống như biến thể Omicron ban đầu khi xét nghiệm PCR thông thường. Thay vào đó, các nhà khoa học đang theo dõi chủng virus này giống như đối với các biến thể trước đó (bao gồm cả Delta) bằng cách theo dõi số lượng bộ gene virus được gửi đến cơ sở dữ liệu công cộng như GISAID.

Ứng phó với biến thể có khả năng chiếm ưu thế

Không có bằng chứng cho thấy biến thể phụ của Omicron gây ra bệnh nặng hơn so với chủng ban đầu, đặc biệt là biến thể Delta trước đó. Các nghiên cứu sơ bộ từ Vương quốc Anh cũng cho thấy, những người được tiêm chủng đều có khả năng chống lại các biến thể của Omicron. Điều đó rất quan trọng, bởi vì nó có nghĩa là những người đã tiêm vaccine sẽ khó trở nặng nếu bị nhiễm phiên bản Omicron mới này.

Các quốc gia phản ứng với BA.2 như thế nào? Mặc dù dữ liệu ban đầu cho thấy BA.2 thậm chí còn dễ lây truyền hơn so với chủng “chị em” của nó, một số quốc gia nơi nó chiếm ưu thế đã thúc đẩy việc bỏ các hạn chế phòng dịch được áp dụng trong đợt bùng phát Omicron ban đầu, với lý do các bệnh viện hoàn toàn có thể đáp ứng số bệnh nhân mới. Tuần trước, Đan Mạch đã chấm dứt tất cả các biện pháp hạn chế, bao gồm cả việc bỏ yêu cầu pháp lý về việc tự cách ly. Tương tự tại Nam Phi, Chính phủ từ đầu tháng 2-2022 thông báo rằng những người không có triệu chứng sẽ không còn phải tự cách ly sau khi xét nghiệm dương tính. Thủ phủ thương mại Mumbai của Ấn Độ cũng đã nới lỏng một số quy định ngăn ngừa đại dịch mặc dù BA.2 chiếm phần lớn các trường hợp trên toàn quốc. Giáo sư Sunit Singh, người đứng đầu bộ phận sinh học phân tử tại trường Đại học Banaras Hindu (Ấn Độ), cho biết: “Chúng tôi đoán có vẻ như sẽ có một biến thể gây ra rắc rối lớn, nhưng không phải là BA.2”.

Giáo sư, Tiến sĩ Leana Wen - bác sĩ cấp cứu và là chuyên gia chính sách y tế tại trường Y tế công cộng Milken thuộc Đại học George Washington (Mỹ) cũng đưa ra lời khuyên trong bối cảnh mới: “Một loại virus dễ lây lan khác có nghĩa là những người muốn tránh bị nhiễm Covid-19 phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Quan trọng nhất là đeo khẩu trang nơi đông người, trong đó chất lượng khẩu trang thực sự quan trọng. Khẩu trang tốt nhất là loại vừa vặn, thoải mái mà bạn có thể đeo liên tục và có khả năng kháng virus”. Bác sĩ Leana Wen cũng khuyến cáo, nên đeo khẩu trang này bất cứ lúc nào dù bạn ở trong nhà mà xung quanh là những người không rõ tình trạng tiêm chủng ra sao. Nếu số ca nhiễm trong cộng đồng cao, có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung, ví dụ như yêu cầu mọi người làm xét nghiệm nhanh trước khi tụ tập. Thêm nữa, đây chưa phải là biến thể cuối cùng của virus SARS-CoV-2 mà chúng ta thấy. Các biến thể mới liên tục xuất hiện, bởi đặc tính của virus là đột biến trong quá trình tái tạo.

Một biến thể mới có gây ra mối quan tâm toàn cầu hay không phụ thuộc vào việc nó có dễ lây lan hơn, độc lực lớn hơn, hay nó có thể lấn át khả năng miễn dịch trước đó hay không. Thế nên, việc giám sát diễn biến dịch trong thời gian thực rất quan trọng và tiêm chủng vẫn là chìa khóa phòng dịch. Càng có nhiều người có khả năng miễn dịch thì càng ít virus lây lan và đột biến, từ đó tất cả chúng ta đều có thể thoát khỏi đại dịch này nhanh hơn.

“Một loại virus dễ lây lan khác có nghĩa là những người muốn tránh bị nhiễm Covid-19 phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Quan trọng nhất là đeo khẩu trang nơi đông người, trong đó chất lượng khẩu trang thực sự quan trọng. Khẩu trang tốt nhất là loại vừa vặn, thoải mái mà bạn có thể đeo liên tục và có khả năng kháng virus”.

Giáo sư, Tiến sĩ Leana Wen (Trường Y tế công cộng Milken, Đại học George Washington, Mỹ)