Tuyển sinh lớp 10 THPT:

Thầy trò cùng căng thẳng

(ANTĐ) - Hoãn toàn bộ việc nghỉ hè, thầy cô các trường THCS đang hồi hộp chờ kết quả thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không kém gì phụ huynh, học sinh.

Thầy trò cùng căng thẳng ảnh 1

Hôm nay hơn 80.000 thí sinh đến làm thủ tục và nghe phổ biến quy chế thi tuyển sinh lớp 10 THPT

Kết quả kỳ thi này không chỉ đánh giá học sinh mà còn là thước đo năng lực của giáo viên.

Thầy trò cùng luyện thi

Mặc dù các trường THCS đã dừng việc ôn tập cho học sinh lớp 9 thi vào 10 THPT từ ngày 8 đến 10-6, tuy nhiên, trước sức ép của kỳ thi nhiều lớp học thêm vẫn tiếp tục đến sát ngày thi. “Giáo viên trong trường không chỉ kèm học trò theo lịch mà còn sẵn sàng hỗ trợ học sinh ôn tập miễn phí sau khi trường đã kết thúc các lớp ôn thi để học sinh nào chưa yên tâm với kiến thức của mình được bồi dưỡng thêm” - cô giáo Phan Thanh Hà, trường THCS Bế Văn Đàn cho biết.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT của Hà Nội chỉ thi tập trung vào 2 môn Ngữ văn và Toán, nên việc ôn luyện của các giáo viên 2 bộ môn này khá căng thẳng. “Không có chuyện nghỉ hè vào thời điểm này. Chúng tôi chỉ tập trung vào việc ôn thi cho các em và thường xuyên trả lời điện thoại cho bất cứ câu hỏi nào của học sinh. Còn vào ngày thi, do quy định của Sở GD-ĐT, giáo viên Văn và Toán không được tham gia coi thi nên chúng tôi chỉ biết ngồi nhà hay tập trung ở trường để chờ thông tin xem các em làm bài đến đâu và dựa vào đó tự chấm điểm tạm thời cho các em” - một giáo viên Toán trường THCS Giảng Võ cho biết.

Nguyễn Thế Lâm, học sinh trường THCS Đống Đa cho biết, mặc dù đã ôn luyện khá kỹ 2 tháng nay nhưng bố mẹ em vẫn yêu cầu em đến học thêm buổi tối ở nhà thầy cô Văn và Toán của trường để luyện thêm kỹ năng làm bài. “Buổi luyện thi cuối cùng vừa kết thúc trước hôm đến tập trung thi 1 ngày. Thầy cô cũng dặn bọn em giữ liên lạc nếu có thắc mắc gì trước giờ thi thì cứ hỏi”.

Thước đo chất lượng

Sở dĩ kỳ thi này được đánh giá là căng thẳng hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT là vì cạnh tranh đầu vào khá lớn. Chỉ 65% học sinh toàn thành phố được đáp ứng học tại các trường THPT công lập, còn lại các em sẽ phải tìm chỗ học tại trường ngoài công lập, hệ giáo dục thường xuyên...

Đối với các bậc phụ huynh, việc con em mình thi đỗ được vào trường công lập là nguyện vọng lớn nhất bởi chất lượng đào tạo của phần lớn các trường công lập khá ổn định trong khi trường ngoài công lập ngoài vấn đề học phí cao thì chất lượng chỉ được đảm bảo ở một số trường. Còn đối với giáo viên, con số học sinh lớp mình phụ trách vào được trường công lập, nhất là những trường thuộc nhóm đầu của Hà Nội càng cao thì uy tín của giáo viên nói riêng và trường THCS nói chung càng được khẳng định. “Trước khi kỳ thi này diễn ra, hầu như trường nào cũng tổ chức kiểm tra thử để nắm được chất lượng của học sinh. Ngay với điểm kiểm tra thử này thôi giáo viên cũng đã đau đầu nếu như học sinh của mình đạt điểm thấp” - cô Phan Thanh Hà cho biết.

Kỹ năng làm bài cần thiết

Chỉ còn 1 ngày để thí sinh bước vào kỳ thi quan trọng này, điều mà các thầy cô giáo muốn nhắc nhở học sinh là kỹ năng làm bài thi. Theo chủ trương về cách ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT của Sở GD-ĐT Hà Nội, đề thi năm nay sẽ có tính phân hóa cao. Mỗi đề thi sẽ có khoảng 4-5 câu hỏi, yêu cầu kiểm tra kiến thức đối với thí sinh tương đối rộng sẽ không có những câu hỏi kiểm tra kiến thức của một bài cụ thể mà đòi hỏi thí sinh phải nắm kiến thức bao quát toàn bộ chương trình nên học sinh học vẹt, học tủ sẽ không thể làm được bài.

Theo gợi ý của giáo viên Ngữ văn, cần biết khái quát được mảng đề tài, chủ đề, thể loại để nắm được tư tưởng chủ đề, nội dung cơ bản của tác phẩm, có kỹ năng cảm thụ đối với thơ và văn xuôi. Với thơ, nắm vững nội dung nghệ thuật, giọng điệu, thể thơ, từ ngữ...; với văn xuôi, chú ý đến nhân vật, nghệ thuật xây dựng nhân vật và đánh giá nhân vật. Kỹ năng thuần thục, thành thạo về viết đoạn văn, tích hợp được kiến thức tiếng Việt, từ ngữ, ngữ pháp, tập làm văn cũng cần được luyện tập thành thạo. Ngoài ra, học sinh phải rèn luyện cách phân bổ thời gian làm bài hợp lý, tránh sa đà vào một câu hỏi khó. Tất nhiên, phải dành thời gian nhiều nhất cho câu hỏi có số điểm cao nhất nhưng không vì thế mà thiếu thời gian cho các câu hỏi dễ hơn. Làm như vậy sẽ rất dễ mất điểm.

Đối với môn Toán học sinh được khuyên là nên làm trước những dạng bài quen. Ở dạng bài giải toán, học sinh lưu ý phải làm đủ 3 bước lập phương trình, giải phương trình và trả lời bởi sau khi lập phương trình rồi, một số học sinh thường dùng máy tính bỏ túi để tính ra kết quả luôn, và như vậy sẽ bị mất điểm ở bước giải phương trình.  Ở bài dạng hình, mặc dù câu a, b rất dễ nhưng khâu chấm thi lại rất chú trọng đến phần trình bày. Nhiều học sinh bị mất điểm do trình bày cẩu thả.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2011 - 2012 sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24-6. Theo đó, ngày 22-6 thí sinh sẽ dự thi 2 môn Ngữ văn và Toán. Ngày 23-6, thí sinh dự thi khối chuyên sẽ thi môn Ngoại ngữ. Ngày 24-6 sẽ dành cho thí sinh dự thi 11 môn chuyên vào 4 trường chuyên của Hà Nội là trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, trường THPT Chu Văn An và trường THPT Sơn Tây.