Thay thế mái hiên di động trên trục phố cổ, quận Hoàn Kiếm: Cần thiết nhưng phải tránh lãng phí

ANTĐ - Trong những ngày hè, do nắng thường xuyên chiếu thẳng vào nhà, nên người dân sống tại một số khu vực phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào… thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã đua nhau lắp mái hiên di động, căng bạt trên vỉa hè, ảnh hưởng đến người đi bộ, tạo ra hình ảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị… Giờ giải pháp đã có, song giai đoạn tiến hành cũng rất quan trọng.
Thay thế mái hiên di động trên trục phố cổ, quận Hoàn Kiếm: Cần thiết nhưng phải tránh lãng phí ảnh 1

Phố Hàng Ngang, Hàng Đào vẫn nhếch nhác vì mái hiên tự phát và các loại bạt 

Cái thò ra, thụt vào

Do nằm trên trục Bắc - Nam nên tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường… gần như lúc nào cũng nắng, nóng. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến số lượng mái hiên di động được lắp đặt ở khu vực này ngày càng nhiều với đủ loại kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ, chẳng khác nào những con phố này đang mặc “áo chống nắng”. Từ khi UBND quận Hoàn Kiếm có chủ trương cải tạo, chỉnh trang mái hiên nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong khu vực phố cổ, hầu hết người dân nơi đây đều đồng tình nhưng vẫn còn băn khoăn.

Bà Nguyễn Thị Hòa ở phố Hàng Đào cho biết, là người dân phố cổ ai cũng muốn bộ mặt tuyến phố được đẹp đẽ. Tuy vậy, để tránh tốn kém, lãng phí không cần thiết, các hộ dân đều mong muốn loại bạt được thay thế phải là loại vải dày, bền, tốt, có tác dụng chống nắng, nóng, việc lắp đặt vừa đảm bảo khoảng cách cho người đi bộ vừa không để nắng chiếu thẳng vào các cửa hàng. 

Trong cuộc họp ngày 10-3 về công tác sắp xếp, thanh thải các đường dây, cáp đi nổi và đảm bảo trật tự văn minh đô thị, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm tập trung xử lý mái che, mái vẩy, mái hiên di động trên tuyến phố Hàng Ngang - Hàng Đào.

Thực hiện chỉ đạo này, ngày 1-6, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản gửi Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, trong đó nêu rõ, UBND quận Hoàn Kiếm đã giao Ban quản lý (BQL) Phố cổ Hà Nội phối hợp với Viện Kiến trúc và Viện Quy hoạch Quốc gia đưa ra mẫu mái hiên phù hợp với điều kiện kinh doanh, sinh hoạt của người dân và các tuyến phố chịu nắng hướng Đông - Tây có lộ giới đường lớn lựa chọn màu sắc, kích thước, chiều cao cho từng khu vực trên tuyến phố, độ vươn tối đa cho phép, độ cao tối thiểu phù hợp.

Do vậy, UBND quận Hoàn Kiếm gửi  hồ sơ thiết kế mẫu mái hiên tuyến phố  Hàng Ngang - Hàng Đào - Hàng Đường - Đồng Xuân - Hàng Giấy và 6 phố đi bộ trong khu bảo tồn cấp I khu phố cổ Hà Nội, đề nghị Sở Quy hoạch-Kiến trúc xem xét, cho ý kiến đóng góp về phương án chỉnh trang mái hiên trong khu vực này.

Trả lời văn bản nêu trên, Sở Quy hoạch-Kiến trúc đã thống nhất về chủ trương đề xuất chỉnh trang mái hiên, biển quảng cáo  trên các tuyến phố Hàng Đào - Hàng Buồm - Mã Mây với cùng phong cách, hình thức đồng bộ nhằm nâng cao giá trị không gian kiến trúc cảnh quan và tạo dựng trật tự văn minh cho các tuyến phố.

“Bí” ngân sách

Sở Quy hoạch-Kiến trúc cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý: Về phương án thiết kế chỉnh trang mái hiên, biển hiệu, mành che nắng trên tuyến phố Hàng Đào, với các công trình không có ban công, ô văng bê tông cốt thép, mái hiên tôn cố định sẽ thay thế lắp mới bằng mái cứng cố định có độ vươn từ 1,2-1,8m.

Việc lắp đặt mái hiên cứng cần tuân thủ thống nhất cùng cốt cao độ trên toàn tuyến phố (độ cao khoảng 3,5m), độ vươn không vượt quá 2/3 chiều dài vỉa hè tuyến phố, không làm ảnh hưởng đến lối đi bộ của người dân và khách tham quan, đảm bảo tầm nhìn của các phương tiện giao thông. Vật liệu, kết cấu mái đảm bảo tính bền vững, không thay thế trong vòng từ 3-5 năm, bạt phủ mái là loại bạt chống cháy.

Về phương án cải tạo chỉnh trang tuyến phố Hàng Buồm - Mã Mây, phương án mái che đề xuất 4 giải pháp lựa chọn mái hiên: Mái hiên cố định, kéo thả, di động trục khuỷu, di động khớp trượt. Với công trình khách sạn, nhà có ô văng hoặc ban công lớn, công trình không lắp mái hiên cần xem xét giữ lại mái hiên cố định có kiến trúc phù hợp, xem xét tháo dỡ mái hiên xấu thay bằng mái hiên di động, biển hiệu đồng bộ, thay đồng bộ, căn chỉnh vị trí đối với mái hiên di động còn tốt.

Khoảng cách vươn xa tối đa của mái hiên di động đảm bảo khoảng cách tối thiểu với mép vỉa hè là 1m, không làm ảnh hưởng đến lối đi bộ, đảm bảo tầm nhìn… Theo ông Phạm Tuấn Long - Phó Trưởng Ban thường trực BQL Phố cổ Hà Nội, từ năm 2014, ở tuyến phố Hàng Đào đã có một số hộ tự thay thế mái hiên di động nhưng do tự phát nên độ vươn, kích thước, vị trí… chưa phù hợp.

Do vậy, việc đưa ra phương án thay thế mái hiên di động bằng mái hiên cứng cố định được triển khai thí điểm ở phố Tạ Hiện, Lãn Ông đã tạo ra trật tự văn minh đô thị cho các tuyến phố cổ. Với tuyến phố Hàng Đào, hiện đã có giải pháp thiết kế mái hiên cho từng nhà trên cơ sở hiện trạng cũ với phương án đảm bảo các tiêu chí theo chỉ đạo của Sở Quy hoạch-Kiến trúc và đã triển khai tại 12 nhà ở Hàng Đào và 2 nhà ở Hàng Ngang.

Công tác thiết kế do BQL chịu trách nhiệm thực hiện còn kinh phí do người dân tự túc. “Trong quá trình thực hiện, BQL thường xuyên ghi nhận, lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân để việc thay thế mái hiên được thuận lợi. Còn về đề nghị hỗ trợ kinh phí, do số lượng mái hiên cần thay thế quá lớn nên hiện chưa có nguồn ngân sách hỗ trợ”, ông Long cho biết.