Thay mới cột đá chùa Dạm: Liệu có dẫm vào vết xe đổ?

ANTĐ -Phiên bản cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh) đang đặt tại khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ lại một lần nữa được thay mới. Nhưng cách dựng phiên bản mới cũng như việc xử lý phiên bản cũ đến giờ vẫn chưa sáng tỏ.

Phiên bản cột đá chùa Dạm 1973 và phiên bản hiện đang trưng bày tại bảo tàng

Chờ phiên bản… 3

Cột đá chùa Dạm là công trình điêu khắc mở đầu cho nghệ thuật tượng đài hoành tráng Việt Nam, hội tụ những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và đời sống tâm linh. Đó là một di sản văn hóa rất có giá trị. Bởi thế vào năm 1973, cố họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi ấy đã chỉ đạo cho làm một phiên bản bằng xi - măng để trưng bày tại sân vườn của bảo tàng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan, học tập.

Cũng từ đó phiên bản này đã trở thành một thành tố của không gian kiến trúc trong khuôn viên bảo tàng. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, vào năm 2006, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thay một phiên bản cột chùa Dạm mới với chất liệu đá. Điều đáng nói là phiên bản này đã sai lệch nhiều so với bản gốc về tỉ lệ cũng như hình, khối. Thậm chí đôi rồng được chạm khắc tinh xảo trên bản gốc cũng bị làm biến dạng mất đi hoàn toàn tinh thần được gửi gắm trong bản gốc. Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhà điêu khắc Phan Văn Tiến cho rằng, chất liệu đá dùng để làm phiên bản năm 2006 không đúng nên đã tạo ra một phiên bản quá cứng, nặng tính mỹ nghệ không đáp ứng được yêu cầu khi đem ra trưng bày trong một bảo tàng.

Sau một thời gian dài xin ý kiến cũng như thử nghiệm nhiều chất liệu lấy khuôn khác nhau, mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã quyết định một lần nữa dựng lại cột đá chùa Dạm. Vấn đề dư luận đang rất quan tâm hiện nay là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ dựng lại phiên bản cột đá chùa Dạm như thế nào. Và phiên bản cũ năm 2006 sẽ có số phận ra làm sao? Trả lời vấn đề này, ông Phạm Văn Tiến cho biết, để bắt tay làm lại phiên bản cột đá chùa Dạm lần 3, ông cùng các cộng sự đã cho thử nghiệm rất nhiều chất liệu để lấy khuôn, sao cho “sức khỏe” của cột không bị ảnh hưởng và bảo toàn trọn vẹn giá trị cũng như tinh thần gửi gắm trong bản gốc.

Cùng chung quan điểm này, ông Lê Hồng Vệ, người trực tiếp về chùa Dạm lấy khuôn trên hiện vật gốc cho biết: “Việc lo lắng ảnh hưởng đến hiện vật gốc đã được anh em chúng tôi đặc biệt lưu tâm, trước khi lấy khuôn tại gốc, chúng tôi đã đánh giá tổng thể, chi tiết và “sức khỏe” của cột. Thậm chí, còn chụp hàng trăm bức ảnh để so sánh hiện vật trước và sau khi lấy khuôn. Trước khi làm vài ba tháng, chúng tôi đã tiến hành ứng dụng thử nghiệm các chất liệu khuôn để sử dụng an toàn nhất cho hiện vật. Cuối cùng chúng tôi quyết định sử dụng khuôn silicon - K, loại khuôn có tính đàn hồi tốt, tính năng can thiệp xúc tác là tan chảy, dễ bóc gỡ...”.


Mịt mùng những phương án

Hiện nay, việc lấy khuôn trên vật mẫu đã hoàn thành. Các chuyên gia, nhà mỹ thuật đang xem xét, họp bàn để đưa ra quyết định sẽ dựng phiên bản cột chùa Dạm lần 3 như thế nào để tránh lặp lại vết xe đổ như cách đây 6 năm. Trả lời về việc sẽ xử lý như thế nào với phiên bản sai lệch kia, ông Tiến cũng cho biết: “Bộ và bảo tàng đã họp bàn rất nhiều, chắc chắn ngay sau khi dựng xong phiên bản mới sẽ sớm đưa ra phương án xử lý phiên bản cũ. Thậm chí, cũng đã từng có người có ý định hỏi mua để trưng bày trang trí. Tuy nhiên chúng tôi chưa quyết.

Không dùng ở việc này thì dùng ở việc khác”. Ông cũng cho biết thêm, làm một tác phẩm nghệ thuật rất khó khăn, và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hơn nữa, một tác phẩm để làm hiện vật trưng bày trong bảo tàng còn đòi hỏi cao hơn nhiều. Chính vì thế ông cho biết bảo tàng sẽ rất thận trọng khi đưa ra quyết định, để tránh lãng phí và hơn nữa là tôn trọng nguyên mẫu. Trách nhiệm với phiên bản sai lệch kia cho đến giờ vẫn mịt mùng trước những phương án xử lý. Nhưng dù sao vẫn phải có người đứng ra nhận trách nhiệm về việc tại sao lại đem bỏ một phiên bản chuẩn thay vào đó bằng một phiên bản sai hoàn toàn.

Chưa biết lần này Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ làm phiên bản 3 cột đá chùa Dạm ra làm sao, có lẽ phải đợi đến khi hoàn thành chúng ta mới biết được liệu bảo tàng có một lần nữa nghệ thuật hóa một hiện vật trưng bày bảo tàng như đã làm ở lần 2 hay không. Và số phận của phiên bản 2 có lẽ đến lúc đó mới được định đoạt.