Thầy đôi khi cũng học từ trò

ANTĐ - Đã là học sinh lớp 12 và phải chịu không ít áp lực của các kỳ thi sắp tới nhưng không vì thế mà các nhà khoa học tương lai bỏ qua cuộc chơi đòi hỏi sự tập trung cao độ để hiện thực hóa ý tưởng của mình khi thi đấu với những tài năng cả nước cũng như quốc tế.

Rất nhiều sự sáng tạo và hăng say được khuấy động từ sân chơi khoa học

Thầy Nguyễn Thiết Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Kim Liên cho biết, 2 nhóm học sinh của trường đang tham gia sân chơi khoa học, kỹ thuật ISEF 2013 với sản phẩm “cây nhà lá vườn“: Giải pháp tiết kiệm điện năng cho trường học tại Việt Nam và Bạo lực học đường thực trạng và giải pháp. Tìm hiểu về đề tài khá thời sự là tiết kiệm điện năng, Trưởng nhóm Phạm Quốc Khánh, học sinh lớp 12 A1  cho biết: “Ai đã từng nhìn tủ điện trường em thì thấy rằng việc tắt đèn, tắt quạt quả là thử thách lòng dũng cảm. Nhiều bạn, nhất là các bạn nữ, được phân công trực nhật thường rất ngại chạm vào tủ lằng nhằng dây điện và công tắc đang trong tình trạng thiếu an toàn cho người sử dụng. Vậy là ý tưởng về việc làm thế nào để tự động tắt, mở thiết bị điện trong hàng chục lớp học đã nhen nhóm. Sân chơi khoa học, kỹ thuật được Bộ GD-ĐT phát động lần này là cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng của em”. 

Sản phẩm của các nhóm tham gia sân chơi đi từ những vấn đề thiết thân như giải pháp giảm bớt áp lực thi cử của Nguyễn Hoàng Oanh, trường THPT Xuân Đỉnh, hay các vấn đề môi trường trong gia đình như đề tài máy tách dầu mỡ ra khỏi nước thải nhà bếp hay biện pháp xử lý nước hồ công viên phường Ngọc Lâm, rồi mở rộng phục vụ các đối tượng như phần mềm gậy thông minh cho người khiếm thị và tham gia cả  lĩnh vực vật lý và thiên văn học với ứng dụng định luật bảo toàn động lượng, chế tạo tên lửa nước tách tầng… “Điều có thể đánh giá cao nhất ở kỳ thi này là không có đề bài đặt ra sẵn mà học sinh phải tự tìm tòi sáng tạo từ A đến Z” - ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nhận xét.

Một môi trường học tập, nghiên cứu thực sự đã được tạo ra khi mà ở đó không chỉ có trò học từ thầy mà chính thầy cô cũng phải tự tìm tòi, thậm chí phải học cả trò về sự nhanh nhạy, khả năng kết nối thông tin và tư duy thông minh, sắc sảo. Nhiều thầy cô đã phải thay đổi phương pháp giảng dạy của mình qua sân chơi này, ông Đoàn Hoài Vĩnh nhận xét sau kinh nghiệm tổ chức lần đầu tiên năm 2012. Chia sẻ về thành công của học sinh Thủ đô tại kỳ thi này năm 2012 trên đấu trường quốc tế, ông Đoàn Hoài Vĩnh phân tích, đề tài của học sinh Việt Nam về biến nước mặn thành nước ngọt được đánh giá cao vì đây là đề tài được nhiều nhà khoa học nghiên cứu và có nhiều phương pháp giải quyết nhưng cách này là sáng tạo, ít kinh phí, dễ ứng dụng rộng rãi trong đời sống.