Thất thoát hơn 10 tỷ đồng, lĩnh án 12 năm tù
(ANTĐ) - Cách đây 10 năm, vào năm 1989, Liên hiệp KHKT chuyển giao công nghệ và chế xuất tài nguyên đất hiếm Việt Nam đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển năng lượng tổng hợp (gọi tắt là trung tâm) trực thuộc Công ty hỗ trợ phát triển tổng hợp, đồng thời bổ nhiệm Nguyễn Văn Tuy (SN 1943), HKTT tại phường Cát Linh, quận Đống Đa, chỗ ở tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy là Giám đốc trung tâm.
Bị cáo Nguyễn Văn Tuy |
Trong quá trình làm giám đốc từ năm 1998, Nguyễn Văn Tuy đã ký các hợp đồng tín dụng vay vốn của Sở Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam với số tiền là 13,5 tỷ đồng và 146.570,4 USD. Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, do thiếu năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu, xí nghiệp đã không thể hoàn trả hết các khoản đã vay của ngân hàng.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Tuy khai nhận: từ năm 1993, xí nghiệp do Tuy làm giám đốc đã thua lỗ trên 2,4 tỷ đồng. Từ năm 1997, công ty không bảo lãnh cho xí nghiệp vay nữa. Do cần vốn để hoạt động, được sự giới thiệu của chị Nguyễn Lệ Hằng, xí nghiệp đã làm thủ tục vay vốn tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.
Sau khi được Sở Giao dịch giải ngân, Tuy đã dùng các khoản tiền được vay đầu tư vào liên doanh bao bì Hà Nam, dùng tiền vay sau trả lãi và gốc các khoản tiền trước, cho Nguyễn Lệ Hằng vay 6 tỷ đồng. Số tiền còn lại dùng để trả các khoản nợ mua vật tư, thiết bị, tiền nhân công và các công trình trước đây. Một số công trình làm xong nhưng chưa được thanh toán hết hoặc không có khả năng thanh toán, đầu tư làm ăn thua lỗ...
Tiếp đó, Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam đã xuống kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và phát hiện thêm việc Tuy không đưa vào sổ sách kế toán khoản vay dài hạn là 3,5 tỷ đồng và 146.570,4 USD của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.
Theo báo cáo của Sở Giao dịch, số dư nợ của xí nghiệp tính đến ngày 27-11-2006 là: Dư nợ 13.632.037.586 đồng; nợ lãi 17.426.624.383 đồng; tổng cộng hai khoản là 31.058.661.969 đồng. Toàn bộ số tiền này đã được Sở Giao dịch xử lý rủi ro từ quỹ dự phòng rủi ro.
Như vậy, có thể thấy rõ, Nguyễn Văn Tuy đã tự ý ký hợp đồng tín dụng với Sở Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, được Sở Giao dịch cho vay 13,5 tỷ đồng và 146.570,4 USD. Việc làm này đã không thực hiện đúng các quy định của Công ty Hỗ trợ phát triển công nghiệp và Pháp lệnh kế toán thống kê, chi tiêu sai nguyên tắc làm thất thoát tài sản của Nhà nước với số tiền hơn 10 tỷ đồng, đến nay hoàn toàn không có khả năng thu hồi.
Đối với Nguyễn Lệ Hằng, Phạm Hồng Hạnh đều xác nhận việc vay và sử dụng 6 tỷ đồng của Tuy dưới hình thức ký hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng đến nay chưa có điều kiện thanh toán. Qua điều tra thấy chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự với hai người này nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Bị can Nguyễn Văn Tuy bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 165, khoản 3 BLHS (có khung hình phạt từ 10 đến 20 năm tù). Lẽ ra, vụ án trên được xét xử sơ thẩm cuối tháng 5-2008. Song, ngay khi hồ sơ chuyển sang TAND TP Hà Nội, trong quá trình nghiên cứu, các thành viên trong Hội đồng xét xử đã quyết định hoàn trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung một số nội dung, chủ yếu là những người có liên quan đến vụ án và các khoản tiền thu chi, thất thoát mà hồ sơ chưa thể hiện rõ.
Đây là việc làm cần thiết đảm bảo cho việc xét xử được khách quan, trung thực, đúng người, đúng tội. VKSND TP Hà Nội đã hoàn thành bản cáo trạng mới với một số nội dung đã được điều tra bổ sung. Mới đây, TAND TP Hà Nội đã xử sơ thẩm vụ án trên và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Tuy 12 năm tù.
Công Minh