Thất nghiệp triền miên vẫn nhận hồ sơ xin việc vào các cơ quan “tên tuổi”

ANTĐ - Bản thân không có việc làm nhưng Minh vẫn rêu rao rằng có khả năng bố trí công việc nhàn nhã cho những ai có nhu cầu. Tưởng gặp được “quý nhân”, hàng chục người đã gom góp tiền và gửi hồ sơ xin việc cho đối tượng.

Cuối phiên xét xử sáng nay 7-1, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Công Minh (SN 1969, trú ở phố Vạn Phúc, phường Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) 14 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về dân sự, tòa cũng buộc bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho các bị hại hơn 2 tỷ đồng còn thiếu.

Thất nghiệp triền miên vẫn nhận hồ sơ xin việc vào các cơ quan “tên tuổi” ảnh 1Bản thân không có việc làm nhưng Nguyễn Công Minh lại cam kết "chạy" được việc làm cho hàng chục người 

Quá trình xét xử đã làm rõ, mặc dù thất nghiệp nhưng Minh vẫn rêu rao với những người thân quen rằng đối tượng công tác tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Ngoài ra, Minh còn có quan hệ rất tốt với lãnh đạo hàng loạt ngân hàng thương mại. Vì thế nếu ai có nhu cầu xin vào làm việc tại các cơ quan này thì đối tượng sẽ giúp đỡ.

Qua một người bạn giới thiệu, chị Nguyễn Thị Hồng Tươi (ở Thái Bình) đã gọi điện nhờ Minh xin vào làm kế toán của Viettel ở Hải Phòng. Đổi lại chị này phải chi ra 90 triệu đồng để “lo lót”. Tưởng gặp được “quý nhân”, ngày 25-10-2011, cô gái quê lúa đã chuyển trước cho Minh 50 triệu đồng.

Mấy ngày sau nhận được thông báo đến Viettel Hải Phòng để phỏng vấn, chị Tươi khấp khởi mừng thầm. Vậy nhưng khi đến đây thì không thấy bóng dáng “ân nhân” đâu. Hỏi lại chuyện phỏng vấn, chị Tươi được yêu cầu đưa nốt 40 triệu đồng nữa thì sẽ có quyết định đi làm ngay.

Và rồi cô gái đang “khát” việc làm đã chuyển đủ số tiền theo mong muốn của Minh. Thế nhưng sau đó chị Tươi đợi mãi mà chẳng thấy ai gọi đi làm. Sau này tìm hiểu về nhân thân, lai lịch của “ân nhân” cô gái quê lúa mới biết đã trúng phải mánh của kẻ lừa đảo. Quá trình điều tra, chị Tươi mới được Minh hoàn trả lại 20 triệu đồng.

Tương tự như cô gái quê lúa Thái Bình, chị Phạm Thị Thúy (ở Hà Nam) vẫn luôn ao ước cậu con trai được vào làm việc tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Như bắt được vàng khi chị Thúy nhận được lời giới thiệu của cô bạn về Minh. Từ đó, chị Thúy đã chuyển hồ sơ xin việc của con trai cùng 300 triệu đồng cho kẻ lừa đảo thông qua cô bạn...

Diễn biến tại phiên tòa cho thấy, ngoài 2 trường hợp nêu trên còn có hàng chục trường hợp khác cũng bị Minh lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng thủ đoạn xin việc làm vào các cơ quan “tên tuổi” là Viettel, sân bay và hàng loạt ngân hàng thương mại. Điều đáng nói là đa số các bị hại đều thông qua một đầu mối trung gian nào đó.

Tại tòa, bị cáo tỏ ra rất thành khẩn khai nhận lại hành vi phạm tội và thừa nhận từ năm 2011 đến 2013 đã nhận tổng cộng 2 tỷ 549 triệu đồng của 61 người có nhu cầu xin việc làm. Tuy nhiên, tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện Minh không xin được việc làm cho bất kỳ trường hợp nào. Về số tiền chiếm đoạt, bị cáo khai đã ăn tiêu hết nên không còn khả năng khắc phục hậu quả.