Thắt chặt vai trò giám sát ngân sách
(ANTĐ) - Sáng 28-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở Hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2008.
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch: “Cần phân biệt rõ ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương” |
Nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng, với cách làm hiện nay Quốc hội khó kiểm soát chặt thu - chi ngân sách. Đại biểu Trần Du Lịch (ĐBQH - TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần tách riêng nguồn ngân sách quốc gia do Quốc hội quyết và ngân sách địa phương do địa phương quyết. Quốc hội không quyết tỷ lệ bội chi bao nhiêu GDP, mà quyết từng khoản ước chi Chính phủ trình”.
Theo ĐBQH Trần Du Lịch, với cách làm ngân sách hiện nay và quy trình lập ngân sách, giám sát ngân sách, Quốc hội không kiểm soát được ngân sách và không phân biệt rõ ngân sách quốc gia và ngân sách địa phương, để đưa vào cân đối chung các nguồn. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (ĐBQH Lạng Sơn) chỉ ra 4 vấn đề trong thu - chi ngân sách là thu ngân sách chưa chắc chắn, chi ngân sách dàn trải, chi chưa hiệu quả và kỷ luật thu - chi chưa nghiêm. Thêm nữa, việc vay nợ và hiệu quả sử dụng các khoản vay chưa tương xứng. “Tiền vay được sử dụng hiệu quả thì tốt, nhưng vay để nợ nần chồng chất thêm thì không nên” - đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh!
Giải trình thêm trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, tất cả các khoản chi Chính phủ đều trình Quốc hội hoặc Thường vụ Quốc hội. Quốc hội đồng ý Chính phủ mới được chi. Về bội chi ngân sách, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích: Thực tế, trong dự toán bao giờ cũng có khoản dự phòng ngân sách chi cho những khoản đột xuất, không dự báo trước được như thiên tai. Về kỹ thuật thì thấy chi tăng, nhưng thực tế vẫn nằm trong tổng thể ngân sách.
Hồng Tuấn