Tháo "điểm nghẽn" trong giải ngân hỗ trợ đào tạo nghề

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc triển khai chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ giải ngân rất thấp, sự vào cuộc chưa quyết liệt.
Tỷ lệ giải ngân hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp

Tỷ lệ giải ngân hỗ trợ đào tạo nghề còn thấp

Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức đánh giá việc triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Theo báo cáo của Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, tính đến hết tháng 3 năm 2022, có gần 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ và đề nghị được hướng dẫn về thủ tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho gần 100.000 người lao động trong cả nước, kinh phí dự kiến gần 500 tỷ đồng, trong đó 48 đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho gần 10.000 lao động với tổng số kinh phí dự kiến là gần 70 tỷ đồng.

Sở LĐ-TB&XH của 13 tỉnh, thành phố đã thẩm định, phê duyệt cho 30 đơn vị, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho trên 3.200 lao động, kinh phí hỗ trợ trên 13 tỷ đồng.

Vùng Đông Nam bộ có số lượng người lao động được đề xuất hỗ trợ nhiều nhất (trên 5000 lao động được người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ, 02 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ để nộp đề nghị hỗ trợ với tổng số lao động gần 50 ngàn người (công ty CP Pousung Việt Nam, công ty Co Teawang vina)); vùng có kết quả thấp nhất là Tây Nguyên hiện chưa có người sử dụng lao động nào nộp hồ sơ.

Nhận định về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ, với phương châm là tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người lao động, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cũng thảo luận nhiều lần để quyết định giành một khoản ngân sách nhất định từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội để cho đào tạo bồi dường, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, giữ chân người lao động, đổi mới công nghệ.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc thực hiện chính sách trên chưa đạt yêu cầu, tỷ lệ giải ngân rất thấp, sự vào cuộc chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao.

Chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, sự vào cuộc của các cơ quan, của một số địa phương, kể cả trong ngành LĐ-TB&XH chưa thực sự tốt, còn tồn tại tư tưởng: cái gì dễ thì làm, khó thì bỏ, rủi ro thì né tránh.

Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và người lao động chưa đầy đủ, chưa thấy được tầm quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng chuyển đổi nghề.

Chỉ ra những việc cần tháo gỡ, giải quyết ngay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị, các địa phương cần tập trung, làm thật tốt, phê duyệt tất cả các hồ sơ từ nay cho đến 30/6.

Các địa phương cũng cần làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, nhất là hướng dẫn của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.