Hà Nội lo thiếu giáo viên mầm non khi đón hơn 500.000 trẻ đi học trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội dự kiến sẽ có hơn 400.000 trên tổng số 540.000 trẻ mầm non đến trường sau gần 2 năm nghỉ học hoàn toàn vì dịch bệnh vào ngày mai, 13-4.
Trường mầm non 20-10, quận Hoàn Kiếm đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện đón trẻ đi học vào ngày mai 13-4

Trường mầm non 20-10, quận Hoàn Kiếm đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện đón trẻ đi học vào ngày mai 13-4

Nhằm chuẩn bị cho việc trở lại trường của gần 540.000 trẻ mầm non trên toàn thành phố từ ngày 13-4, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tiến hành khảo sát số lượng trẻ được đăng ký đi học với tỷ lệ đạt 80%.

Để đón trẻ trở lại trường, ngày 12-4, báo cáo với lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, phòng GD-ĐT các quận huyện cho biết, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, nhiều nhà trường, nhóm lớp đã rà soát, hoàn thiện các điều kiện để sẵn sàng đón trẻ trở lại trường.

Được biết, ngay khi thành phố có quyết định cho trẻ mầm non đến trường, các trường/cơ sở khẩn trương tiến hành xây dựng phương án, vệ sinh, khử khuẩn, trang trí lớp học, diễn tập các tình huống để chuẩn bị đón học sinh.

Nhiều đoàn công tác các cấp đã đi kiểm tra thực tế từng cơ sở; qua đó ghi nhận, hầu hết các trường/cơ sở/nhóm trẻ đều sẵn sàng điều kiện đón học sinh mầm non trở lại. Phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho biết, trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn quận tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho trẻ theo kế hoạch dạy học của trường và tổ chức hoạt động bán trú, dạy học 2 buổi/ngày.

UBND quận Ba Đình chỉ đạo các cơ sở giáo dục mần non và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra công tác chuẩn bị đón học sinh quay trở lại trường học; xây dựng kế hoạch dạy học thích ứng linh hoạt, an toàn phòng chống dịch, bệnh COVID-19 và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.

Theo đó, 100% các trường học phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực y tế, xây dựng kế hoạch diễn tập xử lý khi có tình huống cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh là F0; tổ chức tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trước và sau buổi học.

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nhà trường chủ động đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh; có các kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại các lớp học, trường học.

Một trong những khó khăn với bậc học này là do dịch bệnh kéo dài quá lâu, nhân sự giáo dục mầm non xin chuyển nghề khá nhiều dẫn đến khó khăn lớn nhất với giáo dục mầm non hiện tại là tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên, chủ yếu tại các nhóm lớp độc lập, cơ sở tư thục.

Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Hoàng Mai Trương Thu Hà cho biết, quận này có 352 nhóm lớp, tỷ lệ trẻ đăng ký trở lại trường đạt 62%, tương đương với khoảng 8.700 trẻ. Qua khảo sát, số giáo viên của các nhóm lớp đăng ký đi làm từ ngày 13-4 đạt 63,2%. Như vậy, so với tỷ lệ trẻ đăng ký trở lại trường thì trước mắt có thể đáp ứng được.

Theo phòng GD-ĐT quận Ba Đình, đến thời điểm này, quận Ba Đình có 5 trường ngoài công lập và 4 nhóm lớp đã giải thể. Tỷ lệ trẻ đăng ký đi học đạt 80%, tuy nhiên, nếu những ngày tiếp theo, tỷ lệ trẻ đi học đủ thì số giáo viên còn thiếu là 215 người. Phòng GD-ĐT sẽ tiếp tục theo dõi tình hình vận hành của các nhà trường để báo cáo, đề xuất UBND quận phương án giải quyết.

Bên cạnh đó, vấn đề thời gian năm học cũng được nhiều trường đề cập tới. Do thời gian còn lại của năm học rất ngắn, nhiều trường mầm non mong muốn sẽ được dạy xuyên hè, kéo dài thời gian năm học. Theo đó, thay vì kết thúc 27/5 theo quy định thì cho phép ngành GDMN kết thúc năm học muộn hơn (tức vào giữa tháng 8) để đảm bảo đủ thời gian để các cơ sở dạy những kiến thức, kỹ năng cốt lõi, phù hợp với từng độ của trẻ.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, việc tổ chức cho học sinh mầm non trở lại trường được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện của cha mẹ học sinh; vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao hơn nữa.

Khi trẻ mầm non đi học, các trường cần quan tâm chu đáo đến điều kiện cơ sở vật chất (bếp ăn, lớp học, cảnh quan…); tuyệt đối không lơi là, chủ quan mà phải tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn; làm tốt công tác phân luồng ngay tại cổng trường, tránh xảy ra hiện tượng ùn tắc cục bộ trước và sau khi tan học; theo dõi sát sao, kịp thời có báo cáo để đưa ra phương án xử lý với các tình huống đột xuất.

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường tuyên truyền mạnh mẽ với phụ huynh học sinh phục vụ kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi trong thời gian tới.

Riêng với đề xuất kéo dài thời gian năm học với bậc học mầm non, Sở GD-ĐT sẽ xem xét, xin ý kiến của TP để sớm có thông báo cụ thể, làm căn cứ cho các nhà trường thực hiện.