Thành kính tri ân công đức các Vua Hùng

ANTĐ - Hôm qua 19-4 (tức 10-3 Âm lịch), tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thuộc Khu di tích lịch sử đặc biệt quốc gia Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức trọng thể Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng để  tri ân công đức Tổ tiên đã có công dựng nước, lập nên Nhà nước Văn Lang - Quốc gia đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam. 
Thành kính tri ân công đức các Vua Hùng  ảnh 1
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (ngoài cùng bên phải), Bộ trưởng Bộ Công an 
Trần Đại Quang (thứ 3 từ phải sang) và các đại biểu dâng hương tại Đền Thượng


Dự Lễ dâng hương có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng đông đảo bà con các dân tộc trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài. 

Đúng 7h, đoàn hành lễ từ sân trung tâm Lễ hội lên Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh uy nghiêm, ngút ngàn linh khí. Đi đầu đoàn hành lễ là các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Theo sau là 14 thiếu nữ mang hương, hoa, lễ vật và 100 con Lạc, cháu Hồng cầm cờ hội. Lễ vật được rước lên Đền Thượng là những sản vật gồm hương hoa, bánh chưng, bánh giầy gắn liền với những truyền thuyết về vị hoàng tử Lang Liêu và quan niệm Trời tròn - Đất vuông của cha ông ta. 

Đúng 7h30, đoàn hành lễ tề tựu trang nghiêm trước Đền Thượng. Trong không khí trang nghiêm, thành kính, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm và các đại biểu vào thượng cung dâng hương hoa, lễ vật, thắp hương tưởng niệm thành kính tri ân công đức các Vua Hùng đã có công khai hoang, mở cõi, đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ non sông để con cháu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh như ngày nay.

Thay mặt Ban tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Hoàng Dân Mạc đọc Chúc văn khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ tổ Hùng Vương, ca ngợi công lao trời biển của các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước; ca ngợi tinh thần quật khởi, kiên cường của các bậc tiền nhân đã không tiếc xương máu đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước và tinh thần anh dũng của toàn quân, toàn dân trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc. 

Thành kính tri ân công đức các Vua Hùng  ảnh 2
Hành lễ từ sân trung tâm Lễ hội lên Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh

Bài Chúc văn cũng thể hiện tâm tư, tình cảm của toàn dân hướng về cội nguồn dân tộc, khích lệ tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình, đoàn kết quốc tế; khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đoàn kết gắn bó của cả dân tộc trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đàng hoàng, to đẹp; thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn bền chặt giữa các dân tộc trong cộng đồng người Việt. 

Mùa lễ hội Đền Hùng năm nay, ước tính có khoảng 5 triệu lượt du khách từ khắp mọi miền Tổ quốc về đây dâng hương. Các lực lượng chức năng của tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc bảo đảm an ninh trật tự, giữ gìn nét đẹp văn hóa trong lễ hội.

Đại lễ cầu siêu và quốc thái dân an 

Sáng 19-4, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Đại lễ cầu siêu và quốc thái dân an tại thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) - nơi an nghỉ của hàng vạn chiến sĩ đã ngã xuống trong chiến tranh tại chiến trường Thành Cổ và dòng sông Thạch Hãn. 

Ban tổ chức cùng các vị đại diện lãnh đạo Trung ương và địa phương, các phật tử đã tiến hành dâng hương cầu mong hương hồn các anh hùng liệt sỹ, đồng bào tử nạn sớm được siêu thoát, đất nước yên bình, cuộc sống ấm no tươi đẹp. Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng trao tặng 100 suất quà cho các hộ gia đình chính sách, có công với cách mạng, con em các gia đình nghèo, học giỏi có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi… 

Trước đó, ngày 18-4, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức phóng sinh, cúng thí cầu mong đất nước hòa bình, đời sống nhân dân no ấm; thả 10.000 hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn để tri ân những anh hùng đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc tại sông Thạch Hãn và Thành Cổ, Quảng Trị.