Thanh Hóa: Nấu và bán đấu giá cao hổ từ hổ bị tịch thu
(ANTĐ) - Các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) đã lên tiếng phản đối về việc UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép một số đơn vị thực hiện bán đấu giá 2,77kg cao hổ từ tang vật tịch thu.
Bán đấu giá, phát mãi tang vật hổ là vi phạm pháp luật |
Bảo tồn bằng bán đấu giá
Trong văn bản được ký ngày 19-11-2010, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Chi cục Kiểm lâm, bệnh viện Y học Dân tộc tỉnh và các đơn vị có liên quan đấu giá 2,77kg cao hổ thành phẩm.
Việc làm này của UBND tỉnh Thanh Hóa không những khiến dư luận trên địa bàn tỉnh bất bình, mà còn gặp phải sự phản đối của các cơ quan bảo tồn ĐVHD.
Trong hôm qua 30-11, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã phản đối về việc làm này. Bởi theo lý giải của phía ENV, pháp luật hiện hành không cho phép thương mại hóa bất cứ tang vật nào có nguồn gốc là động vật quý hiếm thuộc nhóm 1B. Được biết, số cao hổ thành phẩm trên hiện được bán với giá 50 triệu đồng/kg.
Ông Trần Việt Hưng - Trưởng phòng Truyền thông và nâng cao nhận thức, ENV nhận định, việc làm trên của UBND tỉnh Thanh Hóa đã thực sự gây “sốc” cho các nhà bảo tồn và hoạt động môi trường. Bà Lê Minh Thi - Giám đốc ENV cho biết: “Buôn bán hổ tại Việt Nam có thể đang ở rất gần tình trạng bùng phát”. Bà Thi cảnh báo, Việt Nam có thể trở thành một thị trường tiêu thụ lớn về sản phẩm ĐVHD.
Đáng nói, đoàn đại biểu Việt Nam vừa trở từ Hội nghị thượng đỉnh Bảo vệ loài hổ tổ chức tại Liên bang Nga từ ngày 21 tới 24-11-2010 với những cam kết mạnh mẽ nhằm bảo vệ loài vật này. Chính phủ của 13 nước đã cùng cam kết tham gia vào Chương trình phục hồi hổ toàn cầu. Trong khi đó, các cơ quan chức năng Thanh Hóa lại cho phép nấu cao tang vật hổ thu giữ được để… đấu giá!
Vẫn còn 2 cá thể chưa được xử lý
PGS, TS. Lưu Đàm Cư - Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho biết, hổ là động vật thuộc nhóm 1B, nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng.
Ông Cư phân tích, Thông tư số 90/2008 của Bộ NN&PTNT quy định, tang vật là sản phẩm từ các loại động vật thuộc nhóm 1B chỉ được chuyển cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc. Nếu không thực hiện được biện pháp trên thì phải tiêu hủy.
Ông Cư cho rằng, việc đấu giá cao hổ ở Thanh Hóa thực chất là hành động thương mại hóa và vi phạm pháp luật.
Theo bà Thi, điều khiến ENV lo ngại là việc hiện vẫn còn 2 cá thể hổ chết (mỗi con nặng gần 100kg) được giữ đông lạnh tại trang trại của ông Nguyễn Mậu Chiến (Thanh Hóa) đang chờ xử lý. Một con chết ngày 7-8 có trọng lượng 150kg, một con chết ngày 20-8 có trọng lượng 95kg. Cả 2 cá thể hổ này sau khi chết đã được chủ nuôi báo cáo chính quyền.
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, ngày 30-11, Phó Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa Nguyễn Lương Thăng có văn bản trình UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị không đấu giá số cao hổ trên mà chuyển giao toàn bộ cho bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh để bào chế thuốc theo quy định của pháp luật.
Hạ Quỳnh