Thành công = liều + may mắn
(ANTĐ) - Cách đây không lâu, PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới do Nhà nước trao tặng. Đó là phần thưởng cao quý vì những đóng góp không mệt mỏi của ông cho nền y học nước nhà trong suốt 30 năm qua.
Đánh giá của bác sỹ Kimber (Australia) có thể xem là một minh chứng khách quan cho điều đó: “Tôi rất ngạc nhiên vì họ đã làm được tất cả các kỹ thuật nội soi phức tạp nhất trong phẫu thuật nhi và trong một số kỹ thuật khác, họ là những người hàng đầu”.
PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm đang thực hiện một ca phẫu thuật với các đồng nghiệp |
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó, mẹ mất sớm tại huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Năm 1970, ông thi đỗ trường Đại học Y Hà Nội. Sau 6 năm học tập, ông là một trong số không nhiều những sinh viên xuất sắc được chọn học tiếp chương trình bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Việt Đức.
9 năm sau, ông ra trường với tấm bằng xuất sắc và được về khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (tiền thân của Viện Nhi TƯ) làm việc. Cả khoa chỉ có 6 bác sĩ phẫu thuật, ông là bác sĩ trẻ nhất.
Năm 1985, ông được cử sang Thụy Điển học tập. Trong suốt những năm ở đây, ông luôn đau đáu tìm câu trả lời: Tại sao tỉ lệ bệnh nhi tử vong tại đất nước này lại thấp như vậy? Sau những giờ học, thay vì nghỉ ngơi, ông xuống nhà xác của Bệnh viện Osala để tiếp tục học trên... xác chết.
Trở về nước, cùng với kiến thức học được, ông vẫn không ngừng nghiên cứu, sáng tạo và đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa đột phá: mạnh dạn nghiên cứu tiến hành mổ tách thành công 4 cặp trẻ song sinh dính liền nhau, trong đó có 2 cặp thuộc loại phức tạp nhất thế giới; tiến hành ghép thận trẻ em đầu tiên ở Việt Nam, ghép gan 4 trường hợp, ghép tủy 3 trường hợp; là người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện phẫu thuật nội soi ở trẻ em năm 1997, đến nay đã thực hiện 1.000 ca thành công...
PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm |
- Những năm gần đây, gương mặt và tên tuổi PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm liên tục xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng với thành công của những cuộc đại phẫu thuật nổi tiếng trong nhi khoa. Đây là những căn bệnh hiểm nghèo có tỉ lệ tử vong rất cao. Thành công thì đã rõ, nhưng có lúc nào ông nghĩ tới thất bại?
- Thất bại là điều không thể không nghĩ tới nhưng lúc đó chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác. Chẳng hạn trường hợp cặp song sinh dính liền nhau. Họ rất nghèo, không thể có điều kiện đi nước ngoài phẫu thuật, chúng ta cũng không có tiền để mời chuyên gia sang, nhưng cũng không thể để 2 em dính liền nhau mãi, đòi hỏi phải có một giải pháp nào đó. Đây còn là vấn đề tự trọng, tại sao họ làm được mà Việt Nam thì không thể.
Từ suy nghĩ đó, tôi quyết định sẽ thực hiện phẫu thuật, khó khăn đến đâu khắc phục đến đó. Trường hợp thứ hai là ca ghép gan đầu tiên. Năm 2004, cái chết của hàng loạt bệnh nhân cần ghép gan làm tôi vô cùng nhức nhối.
Tôi nghĩ rằng là người bác sĩ, mình có trách nhiệm trong những cái chết đó. Vì vậy khi gặp gia đình có 8 đứa con thì đã 6 đứa chết vì bệnh gan, một sắp tử vong, đó là nỗi đau quá lớn, tôi thấy cần phải giành giật lại sự sống cho cháu bé cuối cùng.
- Rất nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được đăng tải trên các tạp chí nước ngoài và cũng nhờ đó mà bạn bè thế giới biết đến những thành công trong phẫu thuật nhi khoa của Việt Nam. Nhiều nước còn cử người sang học tập. Ông có thể nói rõ hơn về những đề tài này?
- Tính đến nay, đã có 20 bài của tôi đăng trên các tạp chí uy tín của Mỹ, Pháp. Thật ra để đăng bài trên các tạp chí này là rất khó. Có 2 lý do mà các nhà khoa học Việt Nam khó đăng trên các tạp chí này là vốn tiếng Anh hạn chế và bản thân các tạp chí này cũng kiểm duyệt rất gắt gao, đòi hỏi bài viết phải thực sự có điều gì mới.
Nhưng một suy nghĩ truyền thống của chúng ta là không được đi chệch cái cũ, những người đi trước luôn luôn đúng. Nhưng tôi thì ngược lại. Trước bất cứ vấn đề gì tôi luôn nghĩ liệu có thể làm bằng cách khác không, làm tốt hơn không?
Ví dụ những năm 1985, phẫu thuật dị tật hậu môn thành công, tỉ lệ sống cao nhưng bệnh nhân lại không chủ động được đại tiện. Thời điểm đó bác sỹ người Mỹ tên Becla đã tìm ra một đường mổ sau trực tràng thay vì mổ bụng được xem như cuộc cách mạng.
Nhưng nhược điểm là làm tổn thương toàn bộ hệ thống cơ thắt tham gia vào chủ động đại tiện. Vậy vấn đề đặt ra là làm sao phẫu thuật thành công mà vẫn bảo toàn được hệ thống cơ. Từ suy nghĩ đó, tôi đã phải mày mò thí nghiệm ở nhà xác nhiều lần và thấy rằng có thể làm được.
Kỹ thuật đó đã được đăng tải trên Báo Phẫu thuật Nhi châu Âu và được phổ biến như một bước đột phá trên thế giới những năm đó. Đặc biệt là gần đây, tôi đã rút ngắn 3 lần phẫu thuật xuống còn một lần, mổ và tạo hình hậu môn luôn. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã sang đây học phương pháp này.
Tiếp theo là vấn đề mổ nội soi. Năm 2003, một bác sỹ người Mỹ đã công bố về tỉ lệ tử vong cao khi mổ nội soi cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ rằng có thể làm được, sẽ khắc phục các khó khăn như gây mê, vị trí khâu. Sự thành công qua 45 trường hợp mổ nội soi sơ sinh tại BV Nhi đã thuyết phục được giới phẫu thuật thế giới. Bây giờ khi nhắc đến nội soi họ không thể không nhắc đến Việt Nam.
Các hình thức khen thưởng đã đạt được: Chiến sĩ thi đua liên tục trong nhiều năm, Giải Nhất giải thưởng VIFOTECT năm 1999, Danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 1999, Thầy thuốc nhân dân năm 2005, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2006, Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2008 |
Một vấn đề khác là thông thường trên thế giới cũng như Việt Nam, khi bệnh nhân quá yếu, phải thở bằng máy cao tần thì không thể mổ nội soi. Tuy nhiên tôi lại đặt câu hỏi rằng liệu có thể mổ được không nhưng đành để đó vì nghĩ rằng không thể làm được.
Song cách đây 10 ngày, tôi đã phải đối mặt với một trường hợp như thế. Để cứu lấy đứa bé, tôi đã quyết định mổ ngay tại buồng bệnh dưới máy cao tần thay vì mổ tại phòng phẫu thuật, giường bệnh nhân biến thành bàn phẫu thuật.
Và rất may mắn là ca mổ thành công, bệnh nhân đã dần ổn định. Ca mổ trả lời được 2 câu hỏi: Có thể mổ nội soi tại buồng bệnh và có thể mổ nội soi cho bệnh nhân đang sử dụng máy cao tần, cũng có nghĩa có thể mổ cho những bệnh nhân nặng mà chúng ta và thế giới không dám làm vì tỉ lệ tử vong cao.
- Vậy trong suốt 30 năm gắn bó với nghề, hơn 20 năm cầm dao mổ, bí quyết thành công của ông là gì?
- Phải công nhận một điều là tôi thường gặp may. Rất nhiều bạn bè đã hỏi tôi bí quyết thành công và tôi cho rằng đó là cần phải “liều”, liều + sự may mắn. Khi quyết định thực hiện các ca phẫu thuật mang tính đột phá đó, tôi cũng phải liều đánh cược với chính mình để giành lại sự sống cho bệnh nhân dù hy vọng rất mong manh. Và sự thành công sau những ca phẫu thuật tưởng như rất khó khăn đó đã minh chứng cho điều ấy.
- Để tạo ra những bước đột phá đó, chúng ta phải đối mặt với những thử thách như thế nào thưa ông?
- Mọi người thường cho rằng rào cản của khoa học nói chung và y khoa nói riêng của chúng ta là trang thiết bị, cơ sở vật chất nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng đó là kiến thức. Kiến thức là tiền đề đầu tiên.
Có trang thiết bị mà không có kiến thức thì cũng không thể sử dụng được. Điều thứ hai là phải quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, chiến thắng chính bản thân mình. Có làm thì mới thấy khó khăn, có thấy khó khăn thì mới tìm được cách giải quyết.
- Có phải đây cũng là điều ông muốn nói với các bạn đồng nghiệp trẻ?
- Chính xác. Đây cũng là điều tôi muốn nói với các bạn trẻ. Tôi luôn muốn họ phải tìm ra những bước đi mới, tránh lặp lại những người đi trước, như thế mới tạo ra sự tiến bộ trong khoa học. Rất nhiều cuộc phẫu thuật tôi bắt họ phải làm những kỹ thuật khó dù họ một mực nói rằng không thể làm được.
Thế mà cuối cùng, dưới “sức ép” của tôi họ đã làm được. Quan trọng là họ phải có ước mơ và sự tự tin. Đây cũng là điều tôi muốn nói qua bài thuyết trình gần đây tại nhiều trường ĐH: Bí quyết thành công trong cuộc sống.
- Câu hỏi cuối cùng: Trăn trở và mong ước lớn nhất của ông hiện tại là gì?
- Đó là làm sao các bác sỹ trẻ có trình độ tốt hơn. Một cây làm chẳng nên non... Nếu cả một tập thể đều có những ý tưởng táo bạo, dám nghĩ dám làm trong cuộc giành lại sự sống cho bệnh nhân thì chắc chắn sẽ giảm được những ca tử vong đáng tiếc. Điều đó đòi hỏi họ không chỉ cần làm tốt công tác chuyên môn mà phải làm tốt cả công tác nghiên cứu khoa học.
Vì vậy, tại BV Nhi qua 5 năm giữ cương vị giám đốc tôi rất coi trọng vấn đề này: cử nhiều cán bộ trẻ đi nước ngoài học tập, mở nhiều lớp nghiên cứu khoa học, khuyến khích cả bệnh viện học và dùng tiếng Anh. Trước đây, mỗi tuần chỉ một lần thì bây giờ hàng ngày giao ban bằng tiếng Anh. Nhiều bạn bè trên thế giới đến đã thực sự kinh ngạc.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Khánh Huyền (Thực hiện)