Những nẻo đường phục thiện (3)

‘‘Thằng” gàn và cuộc vượt biển cứu cô gái xứ Mường thoát khỏi lầu xanh

ANTĐ -  Sinh năm 1972 ở Nhân Phúc, Lý Nhân, Hà Nam nhưng khi mới 19 tuổi Trần Văn Thiện đã “nổi tiếng” miền đất này bởi những cuộc thanh trừng, dằn mặt đám đồng trang khác. Và cũng chẳng được bao lâu cho đến khi chán ngắt với những cuộc xưng hùng, xưng bá mà trong tay không vẻn vẹn một đồng xu lẻ, Thiện bắt đầu cuộc đời lưu lạc không có điểm dừng chân của mình. Thiện lang thang khắp Điện Biên, mò mẫm Thái Bình, rồi sang Hải Phòng, Quảng Ninh rồi vào TP.HCM. Nơi Thiện dừng chân kiếm ăn lâu nhất bằng mọi thứ nghề có lẽ là miền sơn cước Tây Bắc. 

Thời gian thấm thoắt trôi, 3 năm vụt qua nhanh trong những chiều tím tái của lòng người, vật vã trong những cơn sốt rét li bì trong rừng đến những ngày phiêu bạt chốn đại ngàn. Thiện kể rằng không ít lần ngẩng mặt lên trời sau những cuộc rượu say mèm tối ngày mà không biết cuộc đời sẽ đi về đâu, cái còn lại chỉ là 2 bàn tay trắng chai sạn, thô ráp. Rồi chán đời, hận mình, bản tính giang hồ xưa khó bỏ, Thiện lại theo lời rủ rê của bạn bè mò về Quảng Ninh làm than. “Cay nghiệt và bèo bọt” - Thiện kể về cái chốn mới này như vậy bởi sớm hôm phải úp mặt xuống đất, phơi lưng cho trời, chui vào những hầm than sâu hun hút không chút ánh sáng, suốt ngày chỉ có bóng đêm. Sẵn có máu giang hồ, Thiện sẵn sàng vì đám anh em mà sống chết trong những cuộc tranh giành lãnh địa, rồi ôm bom quấn quanh người để “nói chuyện” với đám chủ quỵt tiền công. Cứ thế, Thiện và đám anh em như “bầy sói hoang” lăn mình vào những cuộc chiến sinh tồn không biết đến ngày mai... 

2. Thiện kể: “Mà cũng chẳng hiểu sao thi thoảng tôi cũng lãng đãng với những góc riêng đầy yếu đuối. Kẻ như tôi viết nhật ký, làm những bài thơ không đề, không cuối một cách tự phát ai tin? Ở cái đất Quảng Ninh này cứ rảnh rang phút nào là tôi lại một mình tha thẩn ngắm hoàng hôn trên biển? Tôi đã viết về mong ước của mình là được tẩy sạch những bước chân gió bụi bằng nước biển nhè nhẹ vỗ bờ cát; muốn thả mình xuống biển để trốn tránh những ánh mắt hùm sói của con người; muốn được nhìn những con tàu trở về trong ánh chiều rực đỏ để thấy lòng bình yên”…

Và Thiện làm thật, để cuộc đời ra khơi bằng cách rời hầm than lên làm thuê cho những con tàu đánh cá, chở hàng để tiếp tục chuỗi đêm xa ngày dài phiêu lưu giữa trùng dương cay mặn cuồn cuộn sóng gió. Thuyền nhỏ chuyển thuyền lớn, không cần lương, chỉ cần đủ ăn, các chủ thuyền đều gọi Thiện là “thằng gàn”. Và con tàu đầu tiên Thiện sở hữu trị giá 18 triệu đồng do các chủ thuyền gom lương của anh lại mua cho nhằm tạo điều kiện cho chàng thanh niên đến đất lạ làm ăn. Thiện bắt đầu kiếm những đồng tiền đầu tiên đủ để tự nuôi sống hàng ngày từ con thuyền riêng của mình. Sau những lần chạy tàu, một đêm mưa giông, Thiện bị ép chở 4 cô gái bị lừa bán sang Trung Quốc. Tiếng tàu máy rít lên từng hồi, tiếng than khóc của các cô như xé toạc bầu trời, Thiện chỉ biết ôm đầu chết lặng trong ca-bin, chỉ sợ các cô đập đầu vào mạng thuyền tự tử mà không biết bởi tiếng gió rít, tiếng sóng gầm át đi. Và trong một lần trở về, một cô gái xin đi nhờ tàu của Thiện về Việt Nam, thương người Thiện đồng ý nhưng oái ăm thay hôm đó mực nước thấp khiến con tàu nhỏ không thoát khỏi được bờ, cô gái bị bắt trở lại, Thiện thì bị bắt nằm rạp xuống mặt đất, con tàu nhỏ bị họ từ từ cho đắm… Sau lần đó, Thiện lại chung vốn với người bạn mua tàu lên làm chủ, tại một bến mới nơi đất khách, định mệnh cuộc đời anh đã đến… 

3. Cô gái xứ Mường Bùi Thị Niệm sinh năm 1978 ở Lạc Thủy, Hòa Bình. Niệm kể: “Bố mẹ tôi già lắm, anh em trong nhà lại khó khăn nên trong tôi luôn có sẵn sự háo hức tìm cơ hội kiếm tiền. Không phải lười bởi tôi cũng đã lăn lộn đủ mọi thứ nghề nhưng vốn liếng chẳng thấm vào đâu. Thế là…”. Một ngày, Kiều Văn Dũng trú tại thôn Đầm Đa, xã Phú Lão cùng huyện sang chơi tại xóm Thơi quê Niệm. Gã trai với ý đồ xấu đã vẽ cho Niệm một chân trời màu hồng với những công việc nhàn hạ, nhiều tiền tại nơi đô thị phồn hoa. Chân chất và tin người, Niệm bỏ xóm, bỏ Mường theo Dũng xuống Quảng Ninh để tìm kiếm công việc đổi đời mà không hay biết mình đang bị lừa bán sang Trung Quốc.

Cứ thế, theo bước chân Dũng, Niệm đã lạc bước sang tận Đông Hưng mà không hay cho đến ngày cô bị bán vào lầu xanh. Tại Quảng Tây, Niệm bị nhốt vào phòng tối và bỏ đói để ra uy. Những thanh niên thay nhau đánh đập cô chết đi sống lại bắt tiếp khách. Vài ngày liên tục thân thể cô rũ như tàu lá úa, sợ án mạng xảy ra, lũ bảo kê buộc lòng phải cho cô giặt giũ, nấu nướng nơi lầu xanh và kèm theo những lời thuyết phục. Tại đây, Niệm đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh đời phụ nữ tàn tạ phiêu bạt nơi đất khách bị hành hạ, bị bắt tiếp khách, bị bán vào những vùng sơn cước heo hút nghèo đói. Niệm kể: “Ngày nào các cô gái cũng phải tiếp rất nhiều lượt khách. Đó là những thủy thủ lực lưỡng, đen bóng gió biển từ bốn phương tìm đến trong cơn men say hoan lạc; đó là những người đàn ông xấu xí, nghèo đói không gia đình, đi tìm cảm giác lạ trong sự khát khao bệnh hoạn… Mới ngày thứ 3 đặt chân đến đây nhưng tôi đã may mắn hơn họ! Sự mẫn cảm trong tâm khảm của một người phụ nữ mách bảo tôi phải tin chàng thanh niên đồng hương ấy!  

4. Niệm đã nói vậy khi chuyện trò với tôi, ngày cô gặp Thiện - giấc mơ hồi hương của Niệm được nhen lên. Thiện kể: “Cô ấy cứ lầm lũi nhìn tôi trong những giọt nước mắt mà chẳng nói nên lời. Cuộc gặp gỡ định mệnh ngày hôm ấy của chúng tôi cả vùng biển Vạn Mỹ trời nổi mưa, những cơn chớp giật lóe sáng”. Khoảnh khắc gặp nhau ngắn ngủi nhưng Thiện đã mang trong mình lời thề với Niệm một ngày gần nhất sẽ gặp lại… 

Trước khi lên tàu trở về, vì chưa an tâm Thiện đã gặp chủ của Niệm. Giá để chuộc Niệm ra khỏi chốn lầu xanh, ổ quỷ quá sức anh, một vạn nhân dân tệ thời điểm đấy với Thiện là một con số quá lớn. Xót xa, ngậm ngủi xen lẫn tủi nhục, bước chân Thiện nặng trĩu xuống tàu mang theo bức thư viết vội của Niệm gửi gia đình. Những ngày sau đó, Thiện lao vào những chuyến đi biển ngày đêm kiếm tiền chuộc Niệm, bởi với anh cô gái dân tộc ấy chân chất, hiền lành lắm đang từng ngày phải vùi mình nơi miệng rắn, hang hùm. Đến một ngày, hai người đàn ông lạ mắt đến tìm Thiện thuê chở sắt sang biển Quảng Tây mà anh không hề biết họ cũng đang đi cứu người thân bị bán sang đây. Thiện đưa thuyền ra khơi. Thuyền cập bến, Thiện nằm dưới bến chờ đến chiều xế muộn để toan tính việc cứu Niệm thì thấy 2 người đàn ông thuê tàu mình đưa một cô gái trẻ xuống tàu và hô to cho tàu chạy đi. Chưa kịp định thần, điếu thuốc đang hút dở, Thiện thấy vài người đàn ông lực lưỡng chạy sùng sục tiến sát tàu của anh. Cô gái trẻ và 2 người đàn ông bị đưa lên bờ, còn những kẻ còn lại rút chốt dưới khoang đánh chìm tàu của mình. Lại thêm một lần nữa Thiện bị mất thuyền.

Quyết là làm, vào một đêm định sẵn, Thiện đã mượn tàu và nhờ sự trợ giúp của 2 người bạn sang bờ biển Quảng Tây cứu Niệm. Ngực căng như cánh buồn, lấy hai đùi kẹp chặt bánh lái, tay ghìm chắc chiếc la bàn, con thuyền cứ nhằm đất mẹ lầm lũi tiến. 

5. Quê hương máu thịt hiện trước mắt, Thiện và Niệm đứng lặng trên mui tàu nhìn về đất mẹ như muốn ôm trọn tất cả. Thiện nhớ lại: “Lúc đó quãng 4h sáng, trời ngừng mưa, Niệm thiếp đi li bì. Ngoài trời vẫn một màn đêm đen kịt. Tiếng động cơ yếu và lịm dần… Tôi tắt đèn trên khoang, tắt máy và để thuyền tự trôi trong sự im lặng của biển cả. Hai tay tôi vẫn kẹp chặt bánh lái theo chiếc la bàn định hướng. Chờ đợi, đêm dài cứ dần qua, một đường chân trời chạy dài ngăn cách giữa biển và bờ hiện ra trước mắt. Cảm giác trong tôi lúc đó như về đến nhà, lòng nhẹ bẫng, tự do và lâng lâng. Bờ biển quê hương hiện ra dưới bầu trời lồng lộng, nhìn về đất liền, phía sau lưng chúng tôi là một màu đỏ hồng của ánh bình minh nhuộm nước lên dần”… Thiện và Niệm lên đường về quê, bỏ lại tất cả quá khứ buồn của kẻ giang hồ và cô gái với kiếp ly hương. Thiện nói: “Trong tôi thời điểm đó chưa hề nảy nở tình yêu với Niệm. Tôi chỉ thương và muốn giúp người con gái thật thà, chân chất ấy”. 

… Bỏ lại sau lưng ngã 3 Hàng Đồi, con đường dài hun hút đứa lối chúng tôi đến với mảnh đất Hòa Bình đó là xóm Thơi, xã Hưng Thi, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình. Nhưng, trên mảnh đất này còn chở hai mảnh đời, hai số phận mà sự khắc nghiệt của cuộc đời đã đưa họ đến bên nhau, đó không ai khác chính là Thiện và Niệm. Chuyện là sau ngày trở về, không chịu nổi lời dè bỉu, Thiện đã đưa Niệm tới nơi đây - bắt đầu từ việc lập một mái nhà tranh bên bến sông kiếm sống. Vùng đồi núi này khắc khổ như bàn tay người già, Thiện và Niệm đã phải sớm hôm trèo đèo lội suối Chi Nê, Phủ Lý bán hàng rong kiếm ăn để vượt qua cơn nghèo. Chịu khó lam lũ tích cóp Nệm đã mở được quầy tạp hóa nhỏ, Thiện thì đi làm thuê trong vùng rồi tự mở một cửa hàng sửa xe máy. 

Khi chúng tôi tìm đến mái ấm của đôi vợ chồng nghìn trùng sóng gió này thì họ đang quây quần bên mâm cơm; đặc biệt là có cả tiếng con trẻ. Ngôi nhà nhỏ bé nhưng tràn ngập tiếng cười ấy nằm nép mình bên dòng suối nhỏ, những thành viên trong đó tần tảo sống trong sự bình yên của vùng đồi núi xanh rì, trong tiếng mõ trâu lốc cốc trên triền đồi vắng lặng...