Tháng 1/2019: Hàng loạt chính sách mới, quan trọng có hiệu lực thi hành

ANTD.VN -Trong tháng 1/2019, 10 Luật và 2 Nghị quyết của Quốc hội cùng hàng loạt, Nghị định, Thông tư quan trọng sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều nội dung đáng chú ý, như: Tố cáo nặc danh sẽ được tiếp nhận, xử lý; Tăng kịch khung thuế môi trường với xăng, dầu, tăng giá khám bệnh đối với bảo hiểm y tế…

10 luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019 gồm: Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Quốc phòng; Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Thể dục, thể thao. 

Bên cạnh đó, Nghị quyết 528/2018/UBTVQH14 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 và Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường cũng chính thức có hiệu lực thi hành

Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 về Biểu thuế bảo vệ môi trường quy định, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng được đẩy lên mức kịch khung là 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít so với hiện nay.

Không chỉ xăng, các nhiên liệu khác như dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn cũng tăng thuế bảo vệ môi trường lên 2.000 đồng/lít - mức tối đa trong khung thuế do Quốc hội quy định.

Theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 , thuế bảo vệ môi trường đối với xăng được đẩy lên 4.000 đồng/lít

Theo Nghị quyết 528/2018/UBTVQH14 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 – 2021, chi phí quản lý bảo hiểm xã hội sẽ giảm dần.

Cụ thể, mức chi phí quản lý BHXH năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH.

Luật Tố cáo bổ sung quy định về tố cáo nặc danh; rút gọn trình tự giải quyết tố cáo chỉ còn 4 bước, thay vì 5 bước như quy định trước đây. Luật quy định thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý tố cáo. Trường hợp vụ việc phức tạp, có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

Ngoài ra, một trong những điểm mới nổi bật của Luật này là người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản. Luật vẫn quy định 2 hình thức tố cáo là bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp, không mở rộng hình thức tố cáo bằng fax, thư điện tử.

Nghị định 157/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng nêu rõ 4 mức lương mới sẽ được áp dụng tương ứng với 4 vùng lương của cả nước. Điều này sẽ khiến việc đóng BHXH bắt buộc ở mức tối thiểu của doanh nghiệp cũng điều chỉnh theo hướng tăng thêm.

Nghị định 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Theo Nghị định này, từ 1/1/2019 các doanh nghiệp phải công khai việc đóng BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, người lao động còn có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể; việc sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, các quỹ do người lao động đóng góp…

Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động ít nhất 1 lần trong năm, với các nội dung như: Việc tuyển dụng lao động; Việc trả lương; Việc tham gia BHXH…

Nếu doanh nghiệp không tự kiểm tra thì đây là cơ sở để cơ quan thanh tra Nhà nước về lao động tiến hành thanh tra đột xuất hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra năm sau.

Thông tư 34/2018/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về hoạt động tiêm chủng nêu rõ, từ 1/1/2019, sau khi tiêm chủng, nếu trẻ có những biểu hiện sau phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khác: Sốt cao trên 39 độ, co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban…

Theo Thông tư 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, giá khám bệnh BHYT sẽ tăng từ 15/1/2019. Theo đó, với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 37.000 đồng/lượt (tăng 3.900 đồng); Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (tăng 3.400 đồng);  Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (tăng 2.800 đồng); Bệnh viện hạng IV, Trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (tăng 2.700 đồng).

  Nghị định 162/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hàng không dân dụng nêu rõ, từ 15/1/2019, người có hành vi trêu ghẹo, xúc phạm nhân viên hàng không sẽ bị phạt từ 3-5 triệu đồng. Đối với hành vi hành hung nhân viên hàng không, hành khách, người khác tại cảng hàng không, sân bay, mức phạt từ 7 - 10 triệu đồng.

Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định từ 15/1/2019, cách thức thi tuyển, xét tuyển công chức sẽ được thay đổi. Theo đó, việc thi tuyển công chức diễn ra trong 2 vòng: Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy tính về kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học; Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành với nội dung về kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Thông tư 16/2018/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với các nhà mạng trong việc thực hiện hợp đồng với khách hàng.

Theo đó, các nhà mạng có nghĩa vụ đảm bảo bí mật thông tin của khách hàng và chỉ được chuyển giao thông tin cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của khách hàng. Nếu ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông, nhà mạng phải thông báo cho khách hàng trước 30 ngày. Thông tư có hiệu lực từ 21/1/2019.