Thận trọng khi xông hơi - biện pháp trị liệu không dùng thuốc

ANTD.VN - Xông hơi có nhiều lợi ích trong phục hồi sức khỏe con người, là biện pháp trị liệu không dùng thuốc. Kinh nghiệm dân gian lâu đời cũng đã dùng xông hơi để chữa bệnh, nhất là trị cảm cúm. Xông hơi gây tác động nhiệt lên cơ thể giúp làm nóng và kích thích cơ thể; bài tiết mồ hôi và chất cặn bã, làm nhẹ gánh cho thận. Khi xông hơi các mạch máu da giãn rộng làm giảm sức cản ngoại vi, máu đi từ tim tăng lên, tim tăng tần số co bóp.

Xông hơi tác động lên hệ thần kinh làm tăng nhanh quá trình chuyển hóa chất trong cơ thể, làm giảm mệt mỏi nên giảm các chấn thương thường xảy ra. Xông hơi tác động tốt lên hệ hô hấp: không khí nóng làm tăng cường cung cấp máu cho lớp niêm mạc đường hô hấp, tạo điều kiện tái tạo lớp biểu mô và phát triển lưới mao mạch trong phổi. Hệ thần kinh phản ứng với nhiệt khá nhanh, tắm hơi làm giảm mệt mỏi về tâm trí, gây cảm giác dễ chịu, làm bạn ngủ sâu. 

Xông hơi có tác dụng đối với nhiều lứa tuổi, nhưng không nên dùng ở phụ nữ có thai và trẻ nhỏ do thúc đẩy co bóp tim quá mức. Ngoài ra, những bệnh nhân có bệnh phổi mạn tính, hay nhiễm trùng cũng không nên xông hơi. Thời gian tắm hơi chỉ nên dưới 15 phút. 

Theo Hội Tim Mỹ, xông hơi mức độ trung bình hầu như an toàn ở hầu hết mọi người. Do xông hơi làm hạ huyết áp nên những người có huyết áp thấp nên tham khảo ý kiến của bác sỹ. Một trong những nguy cơ lớn nhất của xông hơi là mất nước do nước thoát ra nhiều qua mồ hôi, đặc biệt nguy hiểm là bệnh liên quan với nguy cơ mất nước cao như suy thận. Nhiệt độ tăng cao cũng khiến cho một số người bị chóng mặt, buồn nôn.

Một số điều cần tránh khi xông hơi: Tránh uống rượu. Rượu có thể làm tăng nguy cơ mất nước vì có thể khiến người dùng đi tiểu nhiều hơn. Không nên xông hơi quá 20 phút. Nên uống nhiều nước để bù đắp lại lượng nước thoát ra qua mồ hôi. Những người đang bị bệnh, thai phụ muốn xông hơi nên thận trọng.