Tham vọng “cường quốc xe sạch”

ANTĐ - Chiến lược phát triển ngành ô tô Trung Quốc vừa có thay đổi quan trọng khi chính phủ nước này yêu cầu các nhà sản xuất chuyển hướng sang loại xe tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải thay vì chỉ tính đến tăng số lượng để thu lợi nhuận.

Nhà máy sản xuất xe hơi ở Vũ Hán

Nhiều năm tăng trưởng 2 chữ số đã khiến mức sống của người dân Trung Quốc được cải thiện đáng kể và hệ quả là sản lượng của ngành ô tô Trung Quốc năm 2010 đã tăng lên mức 17 triệu xe, từ con số chưa đầy 2 triệu xe vào năm 2000. Giờ đây, quy mô thị trường ô tô của Trung Quốc cao gấp đôi quy mô của thị trường Mỹ hay Nhật và cao hơn ngành ô tô của bất kỳ nước châu Âu nào.

Thế nhưng thành công nào cũng có mặt trái của nó. Đi liền với tốc độ tăng chóng mặt của thị trường xe ô tô là lượng khí thải tăng vọt. Các thống kê cho thấy trong khi lượng khí thải toàn cầu đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 1998, thì lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và than đá tại Trung Quốc đã tăng lên 7,5 tỷ tấn năm 2009. Như vậy, Trung Quốc tiếp tục nới rộng thêm khoảng cách so với Mỹ - nền kinh tế thải khí CO2 nhiều thứ hai thế giới - và trở thành nước đầu tiên thải trên 7 tỷ tấn CO2/năm.

Việc lượng khí thải Trung Quốc tăng mạnh trong vòng 10 năm qua là do quốc gia này xây dựng hàng loạt nhà máy nhiệt điện mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, xe hơi cũng góp phần quan trọng làm tồi tệ thêm tình hình. Điều này khiến Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với sức ép gia tăng trong các cuộc đàm phán về khí hậu quốc tế. Thế giới đã đặt mục tiêu giảm lượng khí thải CO2 xuống dưới 32 tỷ tấn vào năm 2020 và năm ngoái Trung Quốc đã cam kết giảm từ 40-45% lượng khí thải CO2 trên mỗi đơn vị Tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào năm 2020 so với mức của năm 2005.

Với việc chuyển mục tiêu từ bán nhiều xe sang cải thiện chất lượng của từng chiếc xe bán ra, Trung Quốc đang có tham vọng trở thành “cường quốc xe sạch” của thế giới. Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã soạn thảo kế hoạch 10 năm biến Trung Quốc thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển ô tô chạy bằng động cơ điện và ô tô hybrid (xe chạy bằng cả  xăng và điện). Theo kế hoạch này, 5 công ty Trung Quốc sẽ trở thành những nhà chế tạo ô tô có khả năng cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực ô tô chạy điện hoặc ô tô hybrid vào năm 2020 và 3 công ty trở thành các nhà cung cấp linh kiện ô tô tầm cỡ thế giới. Kế hoạch này cũng kêu gọi đầu tư tới 100 tỷ NDT (15 tỷ USD) cho lĩnh vực nghiên cứu chế tạo “xe sạch” ở Trung Quốc.

Kế hoạch trên còn giúp Trung Quốc có cớ buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác Trung Quốc trong liên doanh. Phòng Thương mại Mỹ từng cáo buộc Trung Quốc tìm cách buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao các công nghệ mới nhất cho các đối tác Trung Quốc mà sau này có thể trở thành đối thủ cạnh tranh. Trường hợp các công ty Nhật Bản buộc phải chuyển giao công nghệ tàu tốc hành Shikansen là một ví dụ điển hình. Theo Phòng Thương mại Mỹ, đây là hành vi “tước đoạt công nghệ”.

Chất lượng chứ không phải tốc độ tăng trưởng đang trở thành mục tiêu trong phát triển của Trung Quốc để thực sự trở thành một cường quốc.