Đốt vàng mã - tập tục lạc hậu cần xóa bỏ (Bài cuối):

Tham mưu Chính phủ điều chỉnh các quy định pháp luật về đốt vàng mã

ANTD.VN - Báo ANTĐ đã ghi nhận và phản ánh ở các số báo trước liên quan đến tục đốt vàng mã, đây vẫn được xem là tập tục lâu đời của người Việt, vì vậy dẫu bộc lộ rất nhiều bất cập và mặt trái, song làm sao để loại bỏ tục này lại không phải chuyện ngày một ngày hai. Xung quanh câu chuyện gây nhiều tranh cãi này, phóng viên Báo ANTĐ đã có cuộc trao đổi với bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. 

Nghị định của Chính phủ đã có quy định xử phạt đối với các hành vi đốt đồ mã tràn lan nơi công cộng

Đốt vàng mã tạo điều kiện cho mê tín dị đoan phát triển

- PV: Việc đốt vàng mã lâu nay có thể xem là một tập tục, nói đúng hơn là thói quen khó bỏ của người Việt. Theo bà, lý do của sự khó bỏ này là gì?

- Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy: Đốt vàng mã là một phong tục cổ truyền của người Việt và được coi như một phương tiện kết nối, thể hiện sự giao tiếp của con người đối với thế giới siêu nhiên. Từ các lễ hội truyền thống cho đến nghi lễ cá nhân, gia đình, đều có hình thức giao tiếp này và đều được thực hiện với một thái độ trang trọng, thành kính và hiểu biết về lễ thức tiến hành.

Nhiều ý kiến cho rằng, thắp nén hương và một chút đồ lễ cũng đủ để bày tỏ tấm lòng thành kính với thần linh và người đã khuất chứ không phải đốt nhiều, lễ to sẽ được phù hộ nhiều hơn. Do đó, để từ bỏ thói quen này cần thời gian và sự chung tay của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan báo chí, đặc biệt là ý thức của chính người tham gia lễ hội. 

- Những mặt trái của việc đốt vàng mã nhiều năm qua vẫn được các cấp, các ngành chỉ ra ở cả góc độ tư tưởng giáo lý đạo Phật lẫn nhiều góc độ khoa học khác như: lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn… nhưng tục đốt vàng mã vẫn không thuyên giảm. Nhiều ý kiến cho rằng, “khuyên” thôi chưa đủ, mà còn cần phải “răn” bằng những quy định cụ thể về pháp luật mới hiệu quả. Bà nghĩ sao về điều này?

- Việc đốt nhiều vàng mã đã gây những tác hại nhất định, đặc biệt là việc đốt quá nhiều. Thứ nhất, việc đốt vàng mã đã tạo ra một cuộc đua tranh trong xã hội theo nghĩa người nào càng đốt nhiều thì được xem là càng có nhiều lộc, có hiếu nhiều hơn so với những người khác. Thứ hai, việc đốt vàng mã tạo điều kiện cho hoạt động mê tín dị đoan phát triển tràn lan.

Nhiều hình thức mê tín khác nhau lợi dụng vàng mã để làm lợi cho người bán vàng mã, người xem bói hay những người hành nghề mê tín dị đoan khác. Thứ ba, việc đốt vàng mã quá nhiều gây ảnh hưởng tiêu cực về mặt môi trường ở các khu di tích; dễ gây cháy nổ ở các nơi đốt vàng mã. Thứ tư, việc dùng tiền để mua vàng mã quá nhiều đã gây ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Để hạn chế việc đốt vàng mã tràn lan, những năm gần đây, Bộ VH-TT&DL đã ban hành nhiều văn bản gửi các địa phương hướng dẫn, tuyên truyền vận động việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Đối với các vi phạm cũng đã có quy định xử phạt theo Nghị định của Chính phủ.

- Trong Thông tư 4/2011/TT-BVHTTDL ngày 21-1-2011 của Bộ VH-TT&DL quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nêu rõ: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang” nhưng lại không cấm mà chỉ khuyến cáo “Không rắc vàng mã trên đường đưa tang”. Tại sao cơ quan quản lý không quy định “cấm” mà chỉ dừng lại ở việc “khuyến cáo”, thưa bà? 

- Thay đổi một tập tục tâm linh đã có từ lâu đời không thể làm một sớm một chiều mà phải thực hiện từng bước. Trước tiên cần phải tuyên truyền, vận động cộng đồng thay đổi nhận thức về hành vi rắc vàng mã trên đường là làm mất mỹ quan đường phố, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường. Sau đó là đưa ra các hình thức nhắc nhở những hành vi rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang. Tôi hoàn toàn tin tưởng, bằng sự quyết tâm, sự vào cuộc quyết liệt của toàn xã hội, những thói quen không phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay sẽ thay đổi theo hướng tích cực, lành mạnh.

Tham mưu Chính phủ điều chỉnh các quy định pháp luật về đốt vàng mã ảnh 2Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Nhà chùa vận động: Dùng tiền mua vàng mã giúp đỡ người nghèo

- Các quy định liên quan đến tục đốt vàng mã cũng chỉ mới đề cập đến việc đốt vàng mã ở các địa điểm công cộng, nhưng trên thực tế, việc đốt vàng mã tại gia hoặc các nơi khác vẫn bỏ ngỏ, trong khi nhiều gia đình vẫn giữ thói quen đốt vàng mã trong các dịp cúng, lễ, giỗ chạp… Đây được xem là nguồn tiêu thụ vàng mã thường xuyên với số lượng lớn. Xin bà cho biết tại sao cơ quan quản lý văn hóa chưa đề cập đến “địa hạt” này và cái khó của cơ quan văn hóa trong việc đề cập đến tục đốt vàng mã tại gia là gì?

- Từ khởi thủy khi tập tục này chỉ được thực hiện một cách tượng trưng thì đến nay, quan niệm “trần sao âm vậy” ngày càng ăn sâu, khiến cho không ít người không ngần ngại bỏ ra những khoản tiền lớn để mua vàng mã dâng cúng và đốt với mong muốn đốt càng nhiều, càng có lộc. Đây chính là sai lầm trong nhận thức của một bộ phận không nhỏ nhân dân.

Theo quan điểm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, về bản chất, đạo Phật không khích lệ tập tục này, thậm chí đốt vàng mã trong giáo lý nhà Phật còn được xem là mê tín dị đoan, cần loại bỏ. Trên thực tế, có nhiều ngôi chùa mà các sư trụ trì tại đó đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, thậm chí quy định không được đốt vàng mã tại chùa. Thay vào đó, nhà chùa vận động các tăng ni, Phật tử và nhân dân sử dụng tiền mua vàng mã cho các mục đích từ thiện, giúp đỡ người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, vì là tập tục sâu rễ bền gốc trong tâm thức nên việc đẩy lùi thực trạng đốt vàng mã tràn lan vẫn chỉ dừng ở mức độ rất hạn chế. Cũng không thể sử dụng các biện pháp hành chính, cấm đoán cứng nhắc để yêu cầu người dân không được đốt vàng mã. Giải pháp chủ yếu hiện nay là kiên trì tuyên truyền, vận động để người dân nếu muốn đốt vàng mã thì phải đốt đúng nơi quy định, số lượng hạn chế và không đốt bừa bãi. Nghị định của Chính phủ cũng đã có quy định xử phạt đối với các hành vi đốt đồ mã tràn lan nơi công cộng. 

- Có ý kiến cho rằng, nếu có quy định rõ ràng về việc cấm đốt vàng mã như việc cấm đốt pháo thì chắc chắn mới giải quyết được triệt để tục này. Bà nghĩ sao về ý kiến này, thưa bà?

- Trong thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu và cộng đồng người dân để tham mưu Chính phủ điều chỉnh các quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức của người dân khi tham gia các hoạt động lễ hội, bài trừ mê tín dị đoan và hiện tượng đốt đồ mã, vàng mã tràn lan tại nơi công cộng.

-  Có cầu thì ắt có cung. Hiện tại vẫn tồn tại các làng nghề, cơ sở sản xuất vàng mã lâu năm. Theo bà, trong lúc chúng ta chưa có chế tài xử phạt hành chính đủ sức nặng hay biện pháp quyết liệt nào để người Việt từ bỏ thói quen đốt vàng mã, thì việc hạn chế hoạt động của các cơ sở kinh doanh vàng mã cũng là một cách. Bà có nghĩ thế không, thưa bà? 

- Việc hạn chế hoạt động của các cơ sở kinh doanh vàng mã cũng là một cách nhằm giúp người Việt từ bỏ thói quen đốt vàng mã. Tuy nhiên, đây cũng không phải là việc làm đơn giản bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố như công ăn việc làm của người lao động và kỹ thuật thủ công của nghề làm vàng mã.

Bên cạnh đó, nó còn là một tập tục hình thành từ xa xưa trong đời sống tâm linh của người Việt. Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân và những nhà quản lý trong thói quen đốt vàng mã khi đi lễ hội. Đồng thời, cần điều chỉnh những quy định của pháp luật để có những biện pháp quyết liệt, triệt để.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy!