Tết nơi lũ dữ đi qua

(ANTĐ) - Cơn lũ dữ tại miền Trung đầu tháng 10 vừa qua như vẫn còn hiển hiện trong tâm trí anh Nguyễn Văn Trung, người chồng cô giáo Trần Thị Hoa. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, anh kể lại: “Hôm đó là 5h30 sáng, tôi đang ngủ thì vợ gọi dậy bảo cùng đi ra trường để xem tình hình. Cô ấy nghe bảo lũ lên làm các chốt cửa ở trường bị long ra, bàn ghế, đồ đạc, sách vở của thầy cô và các em học sinh có thể bị trôi nên muốn ra để xử lý tình hình. Vợ chồng tôi cùng với một anh nữa đi bộ từ nhà, vì lúc đó nước đang lên nên không đi xe máy được, nhưng khi đi ngang cây cầu, nước xiết quá nên cuốn cô ấy đi, tôi nhìn thấy mà không thể làm được gì hơn”.

Tết nơi lũ dữ đi qua

(ANTĐ) - Cơn lũ dữ tại miền Trung đầu tháng 10 vừa qua như vẫn còn hiển hiện trong tâm trí anh Nguyễn Văn Trung, người chồng cô giáo Trần Thị Hoa. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, anh kể lại: “Hôm đó là 5h30 sáng, tôi đang ngủ thì vợ gọi dậy bảo cùng đi ra trường để xem tình hình. Cô ấy nghe bảo lũ lên làm các chốt cửa ở trường bị long ra, bàn ghế, đồ đạc, sách vở của thầy cô và các em học sinh có thể bị trôi nên muốn ra để xử lý tình hình. Vợ chồng tôi cùng với một anh nữa đi bộ từ nhà, vì lúc đó nước đang lên nên không đi xe máy được, nhưng khi đi ngang cây cầu, nước xiết quá nên cuốn cô ấy đi, tôi nhìn thấy mà không thể làm được gì hơn”.

Vượt qua mọi nỗi đau, các em học sinh vùng lũ vẫn cố gắng đảm bảo học tập
Vượt qua mọi nỗi đau, các em học sinh vùng lũ vẫn cố gắng đảm bảo học tập

Đã gần 3 tháng trôi qua nhưng nỗi tang thương vẫn ám ảnh anh hàng ngày. Anh Trung cho biết, đó là ngày 3-10, sau 3 ngày tìm kiếm, mọi người cứ ngỡ thi thể cô Hoa đã bị cuốn trôi đi quá xa, tất cả chỉ còn trông chờ vào một phép nhiệm màu. 15h ngày 5-10, thi thể của người giáo viên quên mình vì trường, lớp đã nổi cách địa điểm bị lũ cuốn khoảng chừng một cây số. Ai cũng rơi nước mắt khi nhìn thấy thi thể cô tím bầm, biến dạng.

Cô Hoa ra đi để lại hai đứa con thơ cho người chồng chăm sóc. Cho đến giờ, nỗi đau mất mẹ vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt của hai bé gái. Phải mất hơn 9 tiếng tôi mới đến được nhà cô giáo Trần Thị Hoa tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Trong căn nhà xác xơ ấy, chẳng còn vật dụng gì quý giá, có chăng chỉ là chiếc xe máy cũ. Ở xa xa, một bé gái chừng 4 tuổi nhưng đôi mắt vẫn chất chứa đầy nỗi u sầu.

Đó là em Nguyễn Thị Ngân, con gái út của cô giáo Trần Thị Hoa. Tôi cứ gặng hỏi em mãi về cuộc sống và chuyện đi học, bạn bè nhưng em không nói gì chỉ lắc đầu rồi lại khe khẽ vang lên tiếng khóc. Người nhà dỗ dành mãi, em mới chỉ nói vài câu trong tiếng khóc nghẹn ngào: “Tết năm ngoái còn đủ cả nhà, có quần áo mới…”. Rồi em lại khóc gọi mẹ. Căn nhà như được bao phủ bởi không khí lạnh lẽo đến thê lương.

Không như bé Hằng, bé Ngân, sáu đứa con nhà anh Lê Văn Sự (Thuần Thiện, Can Lộc, Hà Tĩnh) không được may mắn như thế. Ngày cơn lũ ập về, vì hoàn cảnh gia đình đông người mà vợ anh lại đang mang thai, dù biết có lũ nhưng anh vẫn vác lưới ra đê Cù Lây đánh cá. Theo lời kể của ông Lê Văn Vịnh, anh trai của anh Lê Văn Sự, trước lúc ra đi, anh Sự còn dặn ba đứa con ở nhà nấu cơm, trưa bố về sẽ có cá cho mấy đứa ăn. Người vợ, bụng mang bầu chín tháng cứ đứng mãi ở cửa, nhìn theo tấm lưng của chồng khuất dần sau cơn mưa như trút nước.

Lúc này, ở ngoài thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh), ông Vịnh thấy nước từ bốn phía ầm ầm đổ về, chẳng mấy chốc đã ngập băng gần nửa thị trấn. Con nước lớn hung hãn như nuốt chửng bất cứ thứ gì cản đường. Đưa mắt dõi về phía Tùng Lộc, ông không còn nhận ra đâu là đường, đâu là nhà nữa, tất cả chỉ là một màn nước trắng xóa. “Lúc ấy, lòng tôi nóng như lửa đốt. Đằng nớ là nhà chú Sự. Cô thì sắp đến ngày chuyển dạ. Nước lũ tràn về như thế, chả hiểu cả nhà xoay sở thế nào” - ông Vịnh nhớ lại. Thấy mấy người bạn thả lưới phía xa quáng quàng bỏ lưới, hô hào nhau chạy thoát thân, anh Sự cũng hoảng hồn quay thuyền quạt mạnh tay chèo. Nhưng dòng nước hung hãn chẳng để anh Sự kịp trở tay. Biển nước từ phía đầu nguồn cuốn theo đất đá tông thẳng vào mạn thuyền.

Con thuyền của anh Sự lảo đảo rồi chìm nghỉm trong dòng nước xoáy tít. Lóp ngóp vứt thuyền ngoi lên khỏi dòng nước, anh Sự cố hết sức bình sinh bơi về phía mấy rặng tre bên vệ đường. Thế nhưng, cứ bơi được một chốc, nước lại cuốn phăng anh ra giữa dòng. Và rồi, khi cả người đã mệt lả, anh Sự bị dòng nước ném thẳng vào bậc tam cấp của chân đập. Đầu va chạm mạnh, anh choáng váng rồi ngất lịm đi và mất dạng giữa biển nước ngầu bọt. “Nghe mấy người may mắn thoát chết kể lại, trước khi hụt hơi, chú Sự vẫn cố giơ thật cao tay cầu cứu. Nhưng, nước lũ nào có tha ai”, đôi mắt ngân ngấn nước, ông Vịnh xót xa.

Chỉ tay vào cháu Lê Văn Ý, ông Vịnh bảo: “Khổ nhất là mấy đứa ni, mấy hôm chúng không ăn uống được gì mà chỉ đòi gặp bố mẹ”. Tôi lại nhớ lúc mới vào, khi hỏi Ý giờ nhà mình có mấy người, cậu bé đen nhẻm ấy vẫn ngây thơ bảo kể cả bố, mẹ, em mới sinh và các chị, nhà Ý có 7 người. Ngay lập tức, cô chị Lê Thị Nhật An (12 tuổi) đẩy đẩy vai em, sửa lại: “Lúc ni, nhà cháu chỉ còn 6 mẹ con thôi”.

Giờ đến ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc đối với các em còn khó nữa nói chi đến một cái Tết đầm ấm. Tết này, đâu đó ở miền Trung không còn đầm ấm yên vui nữa. Lũ đi qua, ai ai cũng mất mát thiệt hại. Có lẽ khó mà thấy lại được nụ cười trẻ thơ hồn nhiên của các em.

Nhưng tôi tin rằng, câu nói của người dân mình: Lá lành đùm lá rách hay Bầu ơi thương lấy bí cùng… như một nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, nhất là những nơi người dân còn gặp thiên tai, lụt lội để dẫu có trải qua những bi kịch đau đớn nhất của một đời người, họ vẫn có quyền được hưởng một cái Tết đầm ấm, yên bình của dân tộc.

Nguyễn Đệ