Tết đến, lại lo máy ATM "trở chứng"

ANTD.VN - “Đến hẹn lại lên”, dịp cận Tết, nhiều ngân hàng lại phải lên kế hoạch kỹ lưỡng để đảm bảo hệ thống máy ATM có thể đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân. Dù vậy, do nhu cầu rút tiền quá lớn nên khách hàng vẫn gặp nhiều bức xúc.

“Đến hẹn lại lên”, dịp cận Tết nhiều ngân hàng lại phải lên kế hoạch kỹ lưỡng để đảm bảo hệ thống máy ATM có thể đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân. Dù vậy, do nhu cầu rút tiền quá lớn nên khách hàng vẫn gặp nhiều bức xúc.

Đã vội còn “rối”

Giờ tan tầm, đường tắc, phải khó khăn lắm chị Phạm Thu Hà mới tìm được một cây ATM trên đường Trường Chinh để rút tiền. Sau khi thực hiện các thao tác, màn hình hiện dòng chữ  “Ngân hàng đang trong quá trình xử lý dữ liệu cuối ngày nên giao dịch không thực hiện được”.

Lại tiếp tục di chuyển đến 1 cây ATM trên đường Lê Trọng Tấn. Tại đây, chị phải xếp hàng sau 3 người nhưng máy ATM lại chỉ “nhả” tiền mệnh giá 50.000 đồng. Do tối đa mỗi lần ATM chỉ trả 35 tờ tiền nên mỗi người phải thực hiện rất nhiều lần thao tác rút tiền để rút đủ số tiền cần thiết.

Trường hợp như chị Hà khá phổ biến những ngày cuối năm. Khách hàng thường xuyên phải chờ đợi lâu, hoặc gặp phải tình trạng máy ATM báo lỗi nhả lại thẻ, hoặc nhả quá nhiều tiền mệnh giá nhỏ dẫn đến quá trình rút tiền kéo dài và tốn thêm phí. Nguyên nhân của tình trạng này là do nhu cầu rút tiền mặt của người dân rất lớn, nhiều người lại chọn rút tiền vào những giờ cao điểm như giờ tan tầm...

Các ngân hàng phải chuẩn bị các phương án để giảm tải cho ATM dịp Tết

Ngoài ra, theo ông Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm xử lý tiền mặt của Vietcombank, do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng đảm bảo mỗi ATM phải cung cấp tiền đủ 4 loại mệnh giá nên nếu máy ATM đã chi hết tiền mệnh giá cao khách hàng sẽ phải nhận tiền mệnh giá thấp. Trong khi, do khoảng khe cửa trả tiền của các máy ATM là có hạn và cố định nên ngân hàng chỉ có thể cài đặt mỗi lần chi tiền không quá 35 tờ/lần, vì thế nếu ATM chỉ còn tiền mệnh giá 100.000 – 50.000 đồng thì số tiền khách nhận được tối đa mỗi lần rút chỉ là 35 tờ tiền mệnh giá đó.

Còn theo số liệu thống kê gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, hiện cả nước có hơn 127 triệu thẻ ngân hàng các loại, hơn 17.300 máy ATM và hơn 260.000 máy POS. Dù số lượng máy ATM và POS không ngừng tăng nhưng với nhu cầu rút tiền mặt thường tăng đột biến những ngày cận Tết nên tình trạng máy ATM nghẽn, hết tiền vẫn còn xảy ra.

Nhiều phương án ứng phó

Để đáp ứng nhu cầu rút tiền mặt tăng cao dịp Tết nguyên đán 2018, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại thường xuyên giám sát hoạt động của hệ thống ATM, nhất là tại các khu công nghiệp – khu chế xuất, khu đông dân cư…

Các ngân hàng phải chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, không để ATM hết tiền hoặc ngừng hoạt động; tăng cường ATM lưu động tại các khu vực thường xảy ra tình trạng ATM quá tải.

Đồng thời các ngân hàng chủ động làm việc với các doanh nghiệp điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý để giảm tải cho các ATM tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; Xây dựng phương án dự phòng chi trả trực tiếp bằng tiền mặt để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi lương, thưởng dịp Tết tại các khu vực có ATM quá tải.

Để ứng phó, nhiều ngân hàng cũng đã phải chuẩn bị các phương án dự phòng, tiếp quỹ riêng, bảo đảm hệ thống ATM vận hành thông suốt. Một trong những giải pháp giảm tải cho ATM dịp Tết được các ngân hàng đưa ra là khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để giảm lượng chủ thẻ rút tiền trực tiếp tại máy ATM.

Cụ thể, thay vì rút tiền mặt, khách hàng có thể thanh toán các hóa đơn dịch vụ, mua sắm qua kênh NH điện tử (Internet Banking, Mobile Banking), cà thẻ tại POS, quét mã QR.

Theo Công ty CP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), thanh toán di động qua QR Code là một trong những phương thức thanh toán phổ biến trên thế giới thay thế cho thẻ và tiền mặt. Đến nay, QR Code đã được triển khai bởi 12 ngân hàng tại Việt Nam.