Tết ấm lên, hửng nắng
(ANTĐ) - Từ 29 tết (ngày 1-2-2011), trời sẽ ấm dần lên, nhiệt độ trung bình ngày trên mức rét đậm, phổ biến từ 15-16 độ C, ban ngày có nắng ấm, rét về đêm. Những ngày nghỉ tết sẽ có mưa phùn, mưa nhỏ, trời ấm áp, trưa chiều hửng nắng, đêm rét.
Về tình hình thời tiết dịp Tết Tân Mão, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đã trao đổi với An ninh Thủ đô. Ông Hải cho biết:
- Đợt rét đậm, rét hại bắt đầu từ 3-1, đến hôm nay 26-1 đã 24 ngày, và có khả năng sẽ kéo dài đến hết ngày 31-1. Như vậy, đợt rét đậm, rét hại này kéo dài 29 ngày. Tại Hà Nội ghi nhận nhiệt độ trung bình ngày 9,9 độ C (ngày 11-1), nhiệt độ thấp nhất đo được về ban ngày là 7,6 độ C.
- Diễn biến thời tiết trong những ngày tới như thế nào, thưa ông?
- Vào đêm 27, rạng sáng 28-1, một đợt không khí lạnh cường độ mạnh tràn xuống, nền nhiệt độ các tỉnh Bắc bộ sẽ giảm sâu. Do vậy, toàn vùng Bắc bộ sẽ còn rét đậm, rét hại đến hết ngày 31-1, tức khoảng 28 tết.
Đợt không khí lạnh này tuy mạnh nhưng suy yếu cũng nhanh, gây ra hiện tượng mây giảm. Từ ngày 29 tết (1-2), trời sẽ ấm dần lên, nhiệt độ trung bình ngày trên mức rét đậm, phổ biến từ 15-16 độ C, ban ngày có nắng ấm, rét về đêm. Những ngày nghỉ tết sẽ là điển hình của tiết trời xuân, có mưa phùn, mưa nhỏ, trời ấm áp, trưa chiều hửng nắng, đêm rét.
Tại Hà Nội, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán nhiệt độ thấp về ban đêm, khoảng 12-15 độ C, ban ngày 17-20 độ C. Trời khá ấm áp, một số ngày nắng ấm, nhiệt độ có thể lên 20-23 độ C. Tiết trời ấm áp này có thể sẽ kéo dài đến hết kỳ nghỉ Tết Tân Mão (tức khoảng mùng 5 tết). Trong những ngày sau tết cũng chưa thấy đợt rét đậm, rét hại nào kế tiếp. Trong cả tháng 2 sẽ có 1 đợt rét đậm, song nền nhiệt độ không xuống quá thấp và không kéo dài như vừa qua.
- Nguyên nhân nào khiến mùa đông năm nay khắc nghiệt như vậy?
Thời tiết dịp tết sẽ phù hợp để du xuân Ảnh: Phú Khánh |
- Diễn biến đợt rét đậm này khá khác thường vì mùa đông năm nay khắc nghiệt với khu vực Bắc bán cầu. Hầu hết các nước ở khu vực này đều xảy ra rét kỷ lục như Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á... đặc biệt là những nước khu vực Đông Á, Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đều ghi nhận kỷ lục rét chưa từng có.
Miền Bắc nước ta nằm trong đới gió mùa nên tất cả những đợt lạnh của Sibia, lục địa châu Á tràn về gây các đợt rét kế tiếp nhau. Trung bình từ 2,5-4 ngày có một đợt, liên tục tăng cường. Thêm nữa, mùa đông năm nay chịu ảnh hưởng của La Nina, ngoài lạnh còn đi kèm ẩm ướt ở các tỉnh ven biển Trung bộ và Tây Nguyên.
- So với đợt rét kỷ lục của năm 2008-2009, đợt rét này có gì khắc nghiệt hơn?
- Đợt rét kỷ lục năm 2008-2009 kéo dài 38 ngày ở vùng núi phía Bắc, còn vùng đồng bằng trung du cũng chỉ 31 ngày. Như vậy, về độ dài, đợt rét này xấp xỉ (29 ngày), nhưng mức độ rét sâu hơn. Nền nhiệt độ ghi nhận được rất thấp, hầu hết các ngày đều là rét hại (nhiệt độ trung bình ngày dưới 13 độ C). Trong khi đợt rét kỷ lục trước, các ngày chủ yếu là rét đậm (nhiệt độ trung bình ngày dưới 15 độ C). Nhiều nơi băng giá xuất hiện như Nguyên Bình (Cao Bằng), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Ý Tý, Sa Pa (Lào Cai).
Thêm vào đó, năm nay ghi nhận nhiệt độ kỷ lục, -3,9 độ C tại Mẫu Sơn, đợt rét kỷ lục trước, nhiệt độ thấp nhất ghi nhận được tại Sa Pa chỉ là 1,1 độ C.
- Tình hình khô hạn ở khu vực miền Bắc trong 1-2 tháng tới sẽ diễn biến ra sao, thưa ông?
- Do mùa mưa năm 2010 kết thúc sớm, lượng mưa ít, gây thiếu hụt nghiêm trọng trên các sông, hồ thủy điện. Các hồ thủy điện Bắc bộ thiếu hụt hơn 4 tỷ m3 nước so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, toàn Bắc bộ sẽ tiếp tục căng thẳng vì thiếu nước.
Thêm vào đó, hiện các hồ đang phải xả nước phục vụ vụ Đông Xuân nên lượng nước sẽ càng thiếu gây thiếu hụt sản lượng điện. Sông Hồng dự kiến cũng rơi vào tình trạng cạn kiệt kéo dài, mực nước sẽ xuống xấp xỉ năm 2010 (0,1m) - mức thấp nhất trong trị số quan trắc của ngành thủy văn.
Hạ Quỳnh (Thực hiện)