Tây Ban Nha cầu cứu “phao” tài chính

ANTĐ - Mặc dù các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu đã nhất trí dành cho Tây Ban Nha khoản vay trị giá 100 tỷ euro mà không kèm theo các điều kiện khắc nghiệt, nhưng đề nghị cứu trợ của Tây Ban Nha đã vấp phải phản đối của người dân.

Tây Ban Nha là nước thứ 4 trong eurozone cần cứu trợ tài chính

Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos ngày 9-6 nói rằng Madrid sẽ yêu cầu trợ giúp tài chính cho nước này. Không nằm ngoài dự đoán, quyết định yêu cầu quốc tế cứu trợ của Madrid được đưa ra sau một thời gian dài cân nhắc. Đến thời điểm này, Tây Ban Nha đã trở thành nền kinh tế thứ tư tại eurozone, sau Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha phải viện tới các gói cứu trợ quốc tế.

Trước đó, trong cuộc họp khẩn cấp cùng ngày, các bộ trưởng tài chính eurozone đã nhất trí sẵn sàng cấp cho Tây Ban Nha khoản cứu trợ trị giá 100 tỷ euro với các điều kiện dự kiến là tương đối dễ dàng, chỉ yêu cầu thực hiện cải cách trong khu vực tài chính - ngân hàng, chứ không kèm theo các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” điều chỉnh kinh tế vĩ mô khác.

Tây Ban Nha hiện chưa đưa ra con số cần cứu trợ cụ thể và đang phải đợi kết quả đợt kiểm tra do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiến hành đối với hệ thống các ngân hàng. Tuy nhiên, theo Viện Tài chính quốc tế, tổn thất trong lĩnh vực ngân hàng Tây Ban Nha do nợ xấu có thể lên tới 260 tỷ euro và nước này cần khoảng 60 tỷ euro để vực dậy hệ thống ngân hàng. Hầu hết nợ xấu tập trung ở các khoản vay bất động sản thương mại từ các ngân hàng tiết kiệm nhỏ của Tây Ban Nha.

Các nước trong eurozone đã hoan nghênh việc Tây Ban Nha đồng ý nhận cứu trợ quốc tế, coi đó là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực củng cố liên minh tài chính tiền tệ tại khu vực này. 

Tuy nhiên, chính phủ Tây Ban Nha lại vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía người dân. Theo họ, gói cứu trợ chỉ dành cho hệ thống ngân hàng, chứ không dành để hỗ trợ người dân, những người thực sự gánh chịu hậu quả cuộc khủng hoảng. Chỉ vài giờ sau tuyên bố yêu cầu quốc tế cứu trợ hệ thống ngân hàng, người dân đã đổ ra các con phố tại Thủ đô Madrid. Những người biểu tình cho rằng, gói cứu trợ tài chính không nên chỉ dành cho ngân hàng mà phải dành cho người dân, những người đã chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng. 

Trong những ngày tới, các thể chế tài chính châu Âu sẽ thảo luận điều kiện cụ thể đối với gói cứu trợ cho Tây Ban Nha. IMF sẽ hỗ trợ và giám sát quá trình triển khai gói cứu trợ này.