Tàu mẫu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông: Trước những khen-chê, cần cầu thị

ANTĐ - Triển lãm tàu mẫu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã kết thúc sau 1 tháng trưng bày tại Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội). Bên cạnh phần lớn các ý kiến đồng tình, ủng hộ thì cũng có một tỷ lệ không nhỏ cho rằng, màu sắc, kiểu dáng của tàu mẫu không đẹp. Tuy vậy, đại diện chủ đầu tư là Ban QLDA Đường sắt (Bộ GTVT) lại kiến nghị chỉnh sửa khá ít.

Tàu mẫu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông: Trước những khen-chê, cần cầu thị ảnh 1Đại diện chủ đầu tư cho rằng, thiết kế hình dáng đầu tàu là phù hợp

Hình dáng, màu sắc được quan tâm nhiều

Ban QLDA Đường sắt cho hay, trong 1 tháng trưng bày (từ 29-10 đến 30-11), đơn vị đã nhận được xấp xỉ 2.000 phiếu đóng góp ý kiến. Trong đó, góp ý về nội thất chiếm gần 35%, góp ý về ngoại thất hơn 22%… Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt cho biết, ý kiến chưa hài lòng, chê chiếm tỷ lệ khá cao (36%), nhưng không nêu gì thêm; ý kiến kiến nghị đổi màu sắc cũng chiếm tỷ lệ lớn (32%), nhưng cũng không tập trung vào một màu nào cụ thể, chia đều cho các màu như vàng, đỏ, cam, trắng, xanh dương. “Như vậy, không có cơ sở để xác định màu nào có ưu điểm hơn, được nhiều người ưa thích hơn để đề xuất thay đổi”, ông Lê Kim Thành nhận định. 

Một trong những nội dung được khá nhiều người quan tâm góp ý là hình dáng của đầu tàu mẫu. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, nên thiết kế đầu tàu vát hơn nữa để tăng tính khí động học. Tuy nhiên, theo giải thích của Ban QLDA Đường sắt, đây là phương tiện vận tải công cộng nội đô, ưu tiên vận chuyển được nhiều hành khách, tốc độ chạy trung bình không cao (35km/h).

Do vậy, việc tiết kiệm không gian tối đa để chứa được nhiều hành khách được ưu tiên cao nhất, cabin lái tàu được thiết kế một cách tối ưu, chiếm ít diện tích nhất và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, đầu tuyến tàu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã được lựa chọn mang hình dáng khí động học để có dáng vẻ hiện đại nhưng vẫn đủ tiện ích, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. So với đầu tàu các tuyến đường sắt đô thị phổ biến khác trên thế giới, thì đầu tàu được lựa chọn có độ vát hơn rất nhiều. Nếu làm vát hơn nữa sẽ cản trở tầm nhìn của lái tàu và vướng cửa thoát hiểm. 

Tàu mẫu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông: Trước những khen-chê, cần cầu thị ảnh 2

Nhiều ý kiến cho rằng bản đồ LED trên tàu quá đơn điệu, ít thông tin


Không xem xét đổi hình dáng đầu tàu

Phần nội thất cũng nhận được khá nhiều góp ý như tay nắm treo quá gần ghế ngồi gây vướng, cần bổ sung thêm… Theo ông Lê Kim Thành, Ban QLDA Đường sắt tiếp thu ý kiến này và đề xuất xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, bản đồ LED trên tàu quá đơn giản, chữ nhỏ, ít thông tin… “Bản đồ LED có ý nghĩa rất quan trọng đối với hành khách để theo dõi lên/xuống tại các ga, tăng lưu lượng hành khách giờ cao điểm. Vì vậy, các kiến nghị đã nêu là cần thiết để xem xét, chỉnh sửa”, lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt nhìn nhận.


Tàu mẫu đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông: Trước những khen-chê, cần cầu thị ảnh 3Tay nắm treo quá gần ghế ngồi gây vướng, cần bổ sung thêm tay nắm cho hành khách đứng

Ban QLDA Đường sắt kiến nghị Bộ GTVT thành lập Hội đồng đánh giá ý kiến đóng góp để xem xét, quyết định các nội dung tiếp thu, chỉnh sửa. Thành phần của Hội đồng được đề xuất gồm Vụ KH-CN, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, các chuyên gia về đầu máy toa xe của trường Đại học GTVT, UBND TP Hà Nội… Hội đồng sẽ đánh giá ý kiến đóng góp, xem xét các nội dung có nhiều ý kiến để quyết định điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng của đông đảo người dân.

Tuy nhiên, Ban QLDA Đường sắt kiến nghị, về màu sắc của tàu, có thể xem xét thêm màu xanh dương như kiến nghị trước đây của Ban QLDA Đường sắt; không thay đổi hình dáng đầu tàu; bổ sung thêm tay nắm; điều chỉnh bản đồ LED; sử dụng giọng đọc nữ cho mềm mại khi phát thanh trên tàu…