Tập trung xây dựng hệ thống pháp luật mang tính khả thi cao
(ANTĐ) - Sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường |
- PV: Từng là giảng viên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi giữ các chức vụ Vụ trưởng Vụ Pháp luật và hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, những kinh nghiệm ấy có thể giúp nhiều cho ông khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp?
- Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Trước mắt, tôi thấy được thách thức lớn nhất là tính khả thi, tính dự báo của pháp luật chưa cao. Thậm chí, giữa văn bản với sự phản ánh tâm tư thực tế vẫn còn một khoảng cách. Văn bản pháp luật rất nhiều, nhưng đi vào cuộc sống còn ở mức độ. Vì vậy, vấn đề là cần xây dựng một hệ thống pháp luật mang tính khả thi cao, cố gắng tránh tình trạng hôm nay ban hành luật, vài tháng, vài năm sau lại sửa. Thời gian xuống địa phương giúp tôi gần dân hơn, sát thực tế của địa phương hơn, nhất là vùng khó khăn như Quảng Bình. Ngoài ra, đó là kinh nghiệm về mặt quản lý, điều hành, tìm được ngôn ngữ chung. Đây là điều rất quan trọng.
- PV: Ông có 15 phiếu không tán thành bầu mình vào cương vị người đứng đầu ngành Tư pháp. Ông sẽ phấn đấu như thế nào để đạt được sự đồng thuận từ những lá phiếu đó?
- Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Tôi nghĩ đó là chuyện bình thường, nhưng cũng là thông điệp mà tôi phải suy nghĩ rằng mình nên cố gắng nhiều hơn nữa để có sự đồng tình cao hơn.
- PV: Với vai trò là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông sẽ chú trọng những mặt công tác nào trong thời gian tới?
- Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Điều quan tâm nhất của tôi hiện nay là giúp Chính phủ, QH sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Trong đó quan tâm đến việc làm sao sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, phát huy mọi sáng tạo, tiềm năng của đất nước để phát triển KT-XH. Trọng tâm tiếp theo là hoàn thành các Luật về tổ chức bộ máy để Nhà nước thực sự pháp quyền; hay quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp mà Hiến pháp quy định ngày càng rõ hơn để có sự kiểm soát lẫn nhau, tránh sự lạm quyền, nhất là sự lạm quyền của cơ quan hành pháp. Đồng thời tăng cường hơn vai trò của Tòa án. Rồi vấn đề hết sức quan trọng nữa là phát huy tính dân chủ của đất nước, làm sao mở rộng hơn nữa dân chủ trực tiếp, bởi chúng ta mới phát huy tương đối dân chủ gián tiếp.
- PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Anh Quân (Ghi)