Tập trung đánh đúng, đánh trúng các ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hoạt động của các băng nhóm, đối tượng liên quan đến cho vay, đòi nợ thuê dưới hình thức “tín dụng đen” đang ngày một tinh vi, phức tạp, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Trước những diễn biến đó, lực lượng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội đã mở đợt cao điểm, tập trung đánh đúng, đánh trúng loại tội phạm này.

Nhận diện thủ đoạn của tội phạm

Tháng 5-2022, do cần tiền làm ăn nên chị O (SN 1976, trú tại Hà Nội) đã vay của Trương Đức Thành (SN 1983, trú tại khu Đoàn Kết, TP Việt Trì, Phú Thọ) lần 1 số tiền 3 tỷ đồng với lãi suất 3.000 đồng/ triệu/ ngày, cắt lãi 10 ngày, tương ứng 90 triệu đồng và thỏa thuận cứ 10 ngày đóng lãi 1 lần. Trước khi cho vay, Thành yêu cầu chị O gọi điện thoại cho “sếp” của mình là (Lại Tuấn Dũng, SN 1977, trú tại số 19 đường 35 Gamuda, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội) để quyết định.

Sau khi liên lạc, Dũng đồng ý cho chị O vay tiền và chị phải viết 1 giấy đặt cọc mua bán xe ô tô nhãn hiệu Maybach cho Thành. Do sau đó, chị O không trả được tiền lãi như thỏa thuận, Dũng cho các đàn em đến nơi làm việc của chị O chửi bới, đe dọa. Các đối tượng còn liên tiếp gọi điện, nhắn tin thúc ép. Không chỉ vậy, nhóm của Dũng còn đến nhà mẹ đẻ của “con nợ” để gây sức ép, yêu cầu chị O trả tiền. Quá hoảng sợ, người phụ nữ này đã đến Phòng Cảnh sát hình sự trình báo.

Hơn 300 đối tượng liên quan đến đường dây cho vay với lãi suất “cắt cổ” qua ứng dụng trên điện thoại bị Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội bắt giữ tháng 5-2022

Hơn 300 đối tượng liên quan đến đường dây cho vay với lãi suất “cắt cổ” qua ứng dụng trên điện thoại bị Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội bắt giữ tháng 5-2022

Cuối tháng 9-2023, Đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm (Phòng Cảnh sát Hình sự) nhận được đơn cầu cứu của bà Kwon Hwa Cha (quốc tịch Hàn Quốc) tố giác việc bị một nhóm đối tượng đến nhà hàng Gamasot của bà tại CT4 khu đô thị Mỹ Đình, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đe dọa đòi số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Dù chỉ là người đứng ra bảo lãnh việc vay tiền nhưng khi không đòi được, chủ nợ liền nhờ một nhóm đối tượng đến nhà hàng của bà Cha gây sức ép.

Ổ nhóm này thường xuyên kéo nhau đến ăn uống tại nhà hàng Gamasot rồi tìm gặp bà Cha đe dọa. Hết chia nhau ngồi lỳ tại các bàn ăn, nếu có thực khách vào, nhóm này còn xua đuổi, phát tờ rơi bôi nhọ bà Cha, hoặc khạc nhổ, nói lớn tiếng khiến khách hàng bỏ đi. Kinh hãi trước hành vi của các đối tượng, nạn nhân buộc phải đóng cửa nhà hàng trong nhiều ngày.

Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 15-6-2023, toàn Hà Nội có 766 cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính. Trong đó, có 54 trường hợp cá nhân cho vay lãi suất cao và 11 công ty mua bán nợ. Tính từ ngày 15-12-2022 đến 15-6-2023, lực lượng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội cũng đã phát hiện 13 vụ phạm pháp hình sự liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đã khởi tố 11 vụ với 50 bị can.

Trên đây chỉ là 2 trong số những vụ án liên quan đến việc cho vay lãi nặng, đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen” mà CATP Hà Nội triệt xóa trong thời gian qua. Trung tá Lý Hoài Nam - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm cho biết, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng các nguồn vốn có sẵn, hoặc kêu gọi người thân góp vốn, thậm chí cầm cố sổ sử dụng đất của gia đình và người thân… để lấy vốn kinh doanh tài chính. Chúng hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như cho vay tiền qua các ứng dụng trên mạng Internet, điện thoại, với những quảng cáo hấp dẫn.

Hợp đồng vay mượn tiền thường không thể hiện lãi suất, khi các “con nợ” không trả đúng hạn hoặc không có khả năng chi trả, các đối tượng sử dụng mọi cách để đòi, ép người vay phải trả.

“Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường lợi dụng kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, thành lập các công ty tài chính, công ty mua bán nợ, công ty luật… nhằm tránh sự chú ý của cơ quan công an, nhưng bản chất là hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng và đòi nợ thuê. Hợp đồng mua bán, trao đổi được dán mác là giao dịch dân sự, nhưng các đối tượng đã cài các điều khoản cho vay để ép người vay phải trả nợ, nếu không sẽ phạm vào các hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự. Điều này cho thấy, việc vận hành tổ chức “tín dụng đen” được các đối tượng tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng và sử dụng nhiều chiêu thức, thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng” - Trung tá Lý Hoài Nam nhấn mạnh..

Ổ nhóm đối tượng đòi nợ chủ nhà hàng Hàn Quốc bằng những thủ đoạn "bẩn" bị bắt giữ

Ổ nhóm đối tượng đòi nợ chủ nhà hàng Hàn Quốc bằng những thủ đoạn "bẩn" bị bắt giữ

Phòng Cảnh sát Hình sự cũng đã “điểm danh” các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm hoạt động “tín dụng đen” trong thời gian gần đây. Cụ thể, các đối tượng này thường gắn với tội phạm có tổ chức, núp dưới vỏ bọc cơ sở dịch vụ cầm đồ, công ty đòi nợ thuê, kinh doanh tài chính. Hoạt động cho vay của các đối tượng đều được thực hiện dưới các hình thức không thế chấp, huy động vốn, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính. Khi “con mồi” rơi vào “bẫy”, chúng thường dụ dỗ, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp, hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự.

Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các phần mềm, ứng dụng để gọi điện thoại qua Internet đòi nợ. Chúng cũng tạo lập, sử dụng các ứng dụng, tài khoản mạng xã hội để hoạt động phạm tội qua mạng. Loại tội phạm này còn công khai hoạt động bằng cách thành lập “công ty ma”, sử dụng sim “rác”, hay mua bán thông tin để lập các tài khoản ngân hàng phục vụ quá trình thu hồi nợ và lãi, gây khó khăn cho công tác truy vết của lực lượng công an.

“Hiện nay, một số ngân hàng, công ty tài chính được cấp phép hoạt động cho vay hợp pháp, có quy định chặt chẽ về việc xử lý và thu hồi nợ theo pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thu hồi nợ đối với các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, nhất là các khoản cho vay tín chấp, một số ngân hàng, công ty tài chính đã ký kết hợp đồng với các công ty, văn phòng luật dưới danh nghĩa tư vấn pháp lý, xử lý nợ, ủy quyền thu hồi nợ…

Không chỉ đến cơ quan gây sức ép, ổ nhóm đòi nợ còn đến nhà đe dọa người thân của “con nợ”

Không chỉ đến cơ quan gây sức ép, ổ nhóm đòi nợ còn đến nhà đe dọa người thân của “con nợ”

Lợi dụng hợp đồng này, các công ty, văn phòng luật đã thuê, sử dụng nhân viên để gọi điện, nhắn tin đe dọa, thậm chí giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để đe dọa xử lý hình sự, bôi nhọ, vu khống, nhằm “khủng bố” tinh thần người vay, người thân và đồng nghiệp của họ với nhiều hình thức khác nhau, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận” - chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự thông tin thêm. Ngoài ra, có thể thấy, hiện nay, tội phạm hoạt động “tín dụng đen” rất tinh vi, khó phát hiện và xử lý hình sự. Có sự đan xen giữa cho vay “truyền thống” và cho vay trên mạng, đòi hỏi lực lượng chức năng phải thu thập tài liệu, chứng cứ tỉ mỉ, chi tiết mới có thể khép tội cho nhóm đối tượng này.

Kiên quyết đấu tranh, triệt xóa

Ngày 15-9-2023, Phòng Cảnh sát Hình sự đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” theo kế hoạch của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) nhằm phát huy vai trò thường trực của lực lượng công an trong tham mưu, đôn đốc, thúc đẩy nhiệm vụ của các cấp, các ngành, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh, đẩy lùi tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.

Đồng thời, qua đó tạo sự chuyển biến căn bản tình hình và duy trì các biện pháp, không để tình hình phức tạp trở lại; tiếp nhận tin báo tố giác, đấu tranh, triệt phá, không để sót lọt và làm tan rã các băng nhóm, đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”...

Để thực hiện có hiệu quả, bên cạnh công tác tham mưu cho các cấp lãnh đạo, phát động quần chúng nhân dân tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, lực lượng Cảnh sát hình sự còn tăng cường công tác nắm tình hình, điều tra cơ bản địa bàn quản lý và trên không gian mạng để từ đó rà soát, lập danh sách các đối tượng nghi vấn để theo dõi, giám sát và đấu tranh; tăng cường quản lý, phát hiện các cơ sở cầm đồ, cho vay, kinh doanh tài chính, dịch vụ đòi nợ thuê, các đối tượng có biểu hiện hoạt động “hụi, họ, biêu, phường”, huy động vốn với lãi suất cao… để chủ động trao đổi thông tin, phối hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa chung.

Đồng thời chủ động nắm và giải quyết từ sớm các mâu thuẫn liên quan đến vay nợ trong quần chúng nhân dân, không để phát sinh thành vụ án hình sự. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ để triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp nhằm phát hiện, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác minh, tập trung điều tra, xử lý đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, hoặc các ổ nhóm có hoạt động đan xen nhiều lĩnh vực, núp bóng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sử dụng công nghệ cao, hoạt động lưu động, tàng trữ vũ khí…

Phối hợp tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, kiên quyết không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; phối hợp viện kiểm sát, tòa án nhân dân đưa truy tố, xử “điểm” các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” nhằm răn đe, phòng ngừa tội phạm…

“Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, hoạt động có quy mô, tổ chức, đặc biệt là các đối tượng sử dụng công nghệ cao để cho vay trực tuyến hoặc hoạt động “tín dụng đen” biến tướng phức tạp như thời gian gần đây, lực lượng Cảnh sát hình sự sẽ triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình từng địa bàn, đảm bảo không sót lọt tội phạm và đặc biệt tập trung đánh đúng, đánh trúng các băng, ổ nhóm tội phạm “tín dụng đen”, không để nhức nhối trong dư luận xã hội…” - Trung tá Lý Hoài Nam khẳng định.

Trung tá Lê Trọng Hiếu - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, CAQ Đống Đa: Chủ động nắm bắt thông tin tội phạm trên mạng xã hội

Trước diễn biến phức tạp của tội phạm “tín dụng đen” hoạt động truyền thống và trên các ứng dụng, công an cơ sở cần triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Trong đó, rà soát và thường xuyên bổ sung vào danh sách các cơ sở kinh doanh tài chính, công ty, dịch vụ thu hồi nợ hoạt động theo kiểu “tín dụng đen”, tổ chức điều tra, nghiên cứu sâu về nguồn tiền các cơ sở và đối tượng sử dụng để kinh doanh tài chính, từ đó chặt đứt các nguồn cung tiền mặt cho các cơ sở, đối tượng này. Cùng với đó, chủ động nắm chắc về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của các cơ sở “tín dụng đen”, xác định các đối tượng cầm đầu để có biện pháp tập trung đấu tranh triệt xóa. Ngoài ra, cần nắm bắt thông tin của tội phạm “tín dụng đen” trên các hội, nhóm, trang mạng xã hội. Chủ động tổ chức rà soát các hộ cho thuê địa điểm kinh doanh tín dụng trá hình không biển hiệu, không giấy phép, đặc biệt các đối tượng từ địa bàn khác chuyển đến hoạt động. Chủ động rà soát các hộ, cá nhân có biểu hiện vay nợ tín dụng, nhiều lần bị các đối tượng đến nhà đòi nợ, đe dọa, đưa vào danh sách trọng hộ để có biện pháp theo dõi, quản lý phòng ngừa trọng án, đồng thời thu thập thông tin của các đối tượng, ổ nhóm cho vay. Tiếp tục theo dõi quản lý đối với các công ty thu hồi nợ, công ty tài chính trên địa bàn, yêu cầu cung cấp danh sách các app đang hoạt động trong việc cho vay, phương thức hoạt động. Lên kế hoạch kiểm tra đột xuất, định kỳ theo tháng, quý đối với các cơ sở có biểu hiện phức tạp, các cơ sở có vi phạm, đặc biệt các cơ sở núp bóng dịch vụ cầm đồ để hoạt động “tín dụng đen”.

Thường xuyên liên hệ, phối hợp, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, làm tốt công tác phối hợp trong việc quản lý đối tượng tại địa bàn. Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân thấy tác hại của “tín dụng đen”, khuyến cáo người dân chỉ vay tiền tại các cơ sở ngân hàng, quỹ tín dụng và phải trả đầy đủ, đúng hẹn, không vay tiền thông qua các trang mạng xã hội, các app không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện các trường hợp rải họ, đòi nợ… kịp thời báo cho cơ quan công an để xử lý.

Trung tá Ngô Ngọc Nam - Đội phó Đội Cảnh sát hình sự CAQ Hà Đông: Nhận diện các thủ đoạn mới để đấu tranh hiệu quả

Trên địa bàn quận Hà Đông, các ổ nhóm cho vay lãi nặng hoạt động phức tạp với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hoạt động cho vay lãi nặng kéo theo các hành vi khủng bố tinh thần người vay nợ là nguyên nhân phát sinh các loại tội phạm khác như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, giết người...

Trước kia, trung bình hàng năm trên địa bàn quận Hà Đông xảy ra gần 50 vụ đổ chất bẩn, chất thải, trong đó trên 90% bắt nguồn từ các mâu thuẫn có liên quan đến kinh doanh tài chính, các hoạt động vay nợ “tín dụng đen”, “rải họ”, cầm đồ… Trước thực trạng trên, CAQ Hà Đông đã triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều kế hoạch, chuyên đề phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” trên địa bàn quận sẽ diễn biến phức tạp, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, CAQ Hà Đông sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền về loại hình cầm đồ và kinh doanh tài chính, vay tiền trên mạng. Tăng cường nắm tình hình, chủ động phát hiện các thủ đoạn mới của đối tượng để kịp thời đề xuất giải pháp, đấu tranh hiệu quả. Chỉ huy CAQ cũng yêu cầu các đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tổ chức kiểm tra công tác phòng ngừa, đấu tranh với các ổ nhóm tội phạm đang hoạt động “tín dụng đen”, đánh giá các biện pháp nghiệp vụ đã áp dụng để quản lý cơ sở cũng như đối tượng hoạt động, loại hình kinh doanh này…

Thượng tá Vũ Văn Phúc - Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm: Điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình tội phạm

Dự báo tình hình từ nay đến cuối năm, tình hình tội phạm sẽ diễn ra hết sức phức tạp, trong đó bao gồm cả tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, xiết nợ, đòi nợ thuê. Thực tiễn cho thấy, nhu cầu vay tín dụng của người dân là rất lớn và chỉ cần có Căn cước công dân, bằng lái xe, số điện thoại, tài khoản iCloud của điện thông minh là có thể vay được tiền. Ngoài ra còn một bộ phận người dân, nhất là thanh niên chỉ mải chơi mà không chịu làm ăn, đã vay lãi nặng để làm vốn chơi cờ bạc, game online với mục tiêu kiếm tiền nhanh.

Để ngăn chặn loại tội phạm này, CAQ Nam Từ Liêm tiếp tục chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự, công an các phường thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Đội Cảnh sát hình sự phối hợp với công an các phường tiến hành điều tra cơ bản nắm tình hình địa bàn, đối tượng, ổ nhóm hoạt động, tập trung vào số đối tượng cộm cán, có tiền án tiền sự và hoạt động “tín dụng đen”, cho vay, “rải họ”, đòi nợ thuê. Tổ chức rà soát, lên danh sách các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, công ty núp bóng có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ trái pháp luật để chủ động áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, ngăn chặn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan kiểm tra, phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật khác. Phối hợp công an quận, huyện giáp ranh, rà soát lập danh sách và thông tin thường xuyên đối với các đối tượng hoạt động liên quận huyện, thu thập tài liệu đấu tranh…