Tạo phẩm chất cho công dân hội nhập thời 4.0

ANTD.VN - Những xếp hạng cao nhất, Huy chương Vàng trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế liệu đã phải là đỉnh cao cần vươn tới của nền giáo dục Việt Nam? Như vậy đã đủ để thỏa mãn yêu cầu về nguồn nhân lực của thời đại 4.0?

Chia sẻ về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong một buổi nói chuyện với sinh viên Đại học FPT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã chính thức mở ra cơ hội cho sự bứt phá của cả đất nước. “Liệu chúng ta có dám làm cách mạng trong học tập, trong quản trị đại học, trong hoạch định chính sách về công nghệ thông tin (CNTT)? Nếu có, khi ấy hãy nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tạo phẩm chất cho công dân hội nhập thời 4.0 ảnh 1Những giờ học ngoại khóa sẽ giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức

Cách mạng  4.0 chính là “kết nối”

“Tôi đã triệu tập những bộ óc hàng đầu Việt Nam chỉ để trả lời câu hỏi: “Đặc trưng lớn nhất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư là gì? Có thể gói gọn bằng một từ, một cụm từ hay một câu được không? Để nắm bắt được cốt lõi của một cuộc cách mạng, mình phải hiểu đúng về nó, từ đó mới xác định được mình sẽ làm gì trong cuộc cách mạng đó” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo Phó Thủ tướng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất gắn với “hơi nước”, cuộc cách mạng lần thứ hai là “điện”, lần thứ ba là “số hóa”, còn với cuộc cách mạng 4.0, nếu chỉ gói gọn trong một từ, thì đó chính là “kết nối”.

“Kết nối” ở đây là sự liên kết của 8 tỷ thiết bị, trên mọi giác độ, mọi tầng lớp, đời sống chính trị xã hội, không chỉ ở một mái trường, một tỉnh, một đất nước mà trên phạm vi toàn cầu. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng là nếu từng trường đứng riêng, từng người đứng riêng, sẽ rất khó thấy giá trị kết nối, ý nghĩa của sức mạnh công dân, trước hết là công dân Việt Nam, sau là công dân toàn cầu.

Với gần 100 triệu dân, trong đó có một lực lượng lớn dân số trẻ, Việt Nam đang là thời kỳ đỉnh của dân số vàng, nhưng sẽ trở thành nước già điển hình của thế giới trong 30 năm nữa. Việt Nam tự hào và có cơ sở để tự hào về giáo dục. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá Toán và Khoa học tự nhiên của Việt Nam đứng thứ 12 thế giới, vậy sao CNTT chỉ tăng 10%/năm? Bên cạnh những hạn chế về chính sách Nhà nước, do doanh nghiệp Việt Nam yếu, thì một trong những lý do chính là lực lượng làm CNTT của Việt Nam còn rất mỏng về số lượng, yếu về chất lượng. 

“Không phải vì chúng ta không giỏi mà vì chính chúng ta còn thiếu nhiều điều trong môi trường giáo dục. Làm sao để tận dụng cuộc cách mạng này khi sinh viên tốt nghiệp các ngành CNTT  đi xin việc vào các tập đoàn đa quốc gia vẫn phải đào tạo lại cả  năm? Làm sao để tận dụng cuộc cách mạng này khi sinh viên Việt Nam tốt nghiệp rồi bước ra thế giới, không tự tin để nói những thứ mình hiểu biết?” - Phó Thủ tướng đặt câu hỏi.

Đột phá từ giáo dục phổ thông 

Trước câu hỏi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Hiệu trưởng Đại học FPT Nguyễn Khắc Thành đã đưa ra câu trả lời bằng thực tế những gì trường này đang hướng tới trong đào tạo những công dân hội nhập. “Chúng tôi cho rằng một sinh viên để hội nhập với thế giới, sẵn sàng cho kỷ nguyên mới thì cần có 5 khối kiến thức, kỹ năng chính: Ngôn ngữ - Chuyên môn - Kiến thức xã hội, chính trị - Trải nghiệm của ngành công nghiệp - Phát triển cá nhân toàn diện” - Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Thành cho biết. 

Tại Đại học FPT, sinh viên phải trải qua 1 năm dự bị học ngoại ngữ trước khi vào học chuyên ngành. Toàn bộ chương trình giảng dạy của Đại học FPT đều được thiết kế và giảng dạy bằng tiếng Anh. Tất cả sinh viên đều phải học ngoại ngữ thứ hai như tiếng Nhật hay tiếng Trung. 

Để phát triển cá nhân toàn diện, sinh viên trường này bắt buộc trải qua 1 tháng rèn luyện tập trung với 2 kỹ năng mềm được đưa vào chính khóa là làm việc nhóm và giao tiếp trong kinh doanh. 

Và để có được những trải nghiệm thực sự, sinh viên FPT phải đi làm thực tế tại doanh nghiệp rồi mới quay lại trường học tiếp 1 năm và làm đồ án tốt nghiệp. 

Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội cho rằng, bậc phổ thông cũng đang đối mặt với những đòi hỏi không thể phủ nhận của cách mạng công nghiệp 4.0. “Tôi không đi sâu về khái niệm cách mạng 4.0 nhưng tôi cho rằng mục tiêu của giáo dục trong thời đại tới chính là đáp ứng nhu cầu xã hội sẽ phát triển trong tương lai gần, trong đó đặc biệt tập trung vào lĩnh vực CNTT và công nghệ sinh học. Nếu không sớm có những đổi mới, thậm chí là đột phá trong giáo dục từ phổ thông đến đại học thì Việt Nam nhiều khả năng không đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nói trên” - ông Hà Xuân Nhâm chia sẻ.

Thay đổi ngay quan niệm về “thành tích”

Chỉ ra vấn đề của giáo dục hiện tại, ông Hà Xuân Nhâm cho rằng tâm lý ứng thí, chỉ chạy theo các kỳ thi đang khiến giáo dục không đáp ứng được yêu cầu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. “Trong chuyến học tập các trường phổ thông tại Australia, tôi hỏi họ có phương án gì cho những học sinh giỏi. Họ nói họ không phải làm gì cả, không phải ôn luyện, lập đội tuyển bởi tùy theo nhu cầu của học sinh. Nếu các em muốn được bồi dưỡng thêm, họ sẽ bồi dưỡng nhưng họ không quá đề cao giải quốc tế, không luyện đội tuyển theo kiểu gà nòi. Trong các trường, phòng truyền thống của họ chỉ chú trọng vinh danh những cựu học sinh thành đạt, nhiều đóng góp cho xã hội” - ông Hà Xuân Nhâm chia sẻ.

Rõ ràng ở đây nếu chỉ có kiến thức, những công dân tương lai sẽ thiếu hụt rất nhiều những kỹ năng cần có. Việc chỉ chăm chăm học để thi đỗ, đoạt giải trong các kỳ thi khiến học sinh rất thiệt thòi vì không được trang bị những kỹ năng, công cụ cần có của một công dân hội nhập. “Hai công cụ không thể thiếu là ngoại ngữ và tin học dù không thể tuyệt đối hóa chỉ cần có 2 điều này bạn sẽ  thành công nhưng đây là công cụ cần để có thể phát triển và hội nhập. Còn về kỹ năng, mặc dù các trường phổ thông có nhiều khó khăn khi triển khai nhưng với việc được phép xây dựng chương trình nhà trường, các trường đều có thể lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, nâng cao ngoại ngữ, tin học” - ông Hà Xuân Nhâm nêu ý kiến.

Với đặc thù tự chủ được phép xây dựng chương trình nhà trường riêng, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa đã đưa thêm nhiều chương trình mở để học sinh chọn theo năng lực, sở trường của mình. “Mỗi học sinh có thời khóa biểu khác nhau, học sinh có nhiều lựa chọn tập trung vào nội dung học thuật, mạnh môn nào đầu tư môn đó theo chuyên đề liên quan đến môn học. Trước đòi hỏi của thời đại 4.0, các trường sẽ phải lựa chọn chủ động thay đổi để hội nhập hay sẽ bị kéo theo đằng sau cuộc cách mạng này” - ông Hà Xuân Nhâm nhấn mạnh.

“Chúng ta phải ý thức được rằng đất nước này không thể “bước đến đài vinh quang để sánh vai với cường quốc năm châu” nếu các bạn không dám nuôi ước mơ, không chỉ bằng duy ý chí mà phải khơi dậy mọi sự sáng tạo, giá trị riêng của từng người và biết lan tỏa, kết nối với nhau”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam