Bịt các “lỗ hổng” để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thị trường trái phiếu tồn tại hàng loạt “lỗ hổng” như quy định về xếp hạng tín nhiệm, lách luật để “hô biến” nhà đầu tư không chuyên thành chuyên nghiệp… Điều này dẫn đến rủi ro lớn cho thị trường.

Lo trái phiếu “4 không, 5 không”

Theo thống kê, năm 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp bằng cả giai đoạn 2011 - 2018, trong đó 95% là phát hành riêng lẻ, chỉ có 5% phát hành ra công chúng. Sở dĩ doanh nghiệp chọn phát hành riêng lẻ là vì không cần xin phép, chỉ lập phương án, kêu gọi đầu tư. Trong khi phát hành đại chúng phải thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phải được phê duyệt phương án phát hành, khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều chọn phát hành riêng lẻ và chọn kênh phân phối tiếp theo để chuyển tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân…

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ những năm gần đây với lãi suất cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ những năm gần đây với lãi suất cao hơn nhiều lãi suất ngân hàng

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ - Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, gần đây báo chí hay dùng khái niệm “3 không” với doanh nghiệp phát hành trái phiếu (không tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán, không tài sản bảo đảm). Trong đó, về không có bảo lãnh từ tổ chức tài chính có uy tín, chúng ta không phân biệt được bảo lãnh thanh toán và bảo lãnh phát hành. Bảo lãnh thanh toán là trả nợ thay, nếu ngân hàng bảo lãnh thì họ phải phân tích, thẩm định trước khi chấp thuận. Nhà đầu tư khi mua trái phiếu này thì cũng yên tâm.

Bảo đảm bằng tài sản nôm na là nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì bên bảo lãnh sẽ bán tài sản để thanh toán, tạo an toàn cho người mua trái phiếu. Nguyên tắc cho vay nói chung và đầu tư trái phiếu nói riêng thì tài sản bảo đảm không phải yếu tố duy nhất hay quan trọng hàng đầu để xem xét mua trái phiếu. Quan trọng nhất là đánh giá được tình hình tài chính, hoạt động của doanh nghiệp. “Tôi lo ngại ngoài “3 không” thì còn có cái “không” thứ 4, thứ 5 khác, như không có năng lực tài chính tốt, dòng tiền, phương án kinh doanh không khả thi, dòng vốn không đúng mục đích… Những điều này đôi khi còn đáng lo hơn việc không có tài sản bảo đảm” - ông Nguyễn Anh Vũ nói.

GS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng bày tỏ lo ngại khi tỉ lệ trái phiếu “3 không” trong tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lên tới hơn 30%. Việc các ngân hàng đứng ra mua trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong tổng khối lượng vốn tiêu thụ cũng là vấn đề rất đáng lo. Đó có thể là tình trạng ngân hàng giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu để “đảo nợ”, chuyển từ ngân hàng cho vay nợ có bảo đảm, quản lý giám sát, sử dụng chặt chẽ sang cho vay thông qua trái phiếu doanh nghiệp, tức gần như giao nguyên số tiền cho doanh nghiệp, họ sử dụng gì, đầu tư ra sao, ngân hàng cũng không quản lý được. Do vậy cần nhanh chóng lấp lại các lỗ hổng này.

Vụ việc Tân Hoàng Minh đã gây hiệu ứng tiêu cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Vụ việc Tân Hoàng Minh đã gây hiệu ứng tiêu cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp… không biết đọc báo cáo tài chính

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á, trái phiếu doanh nghiệp sau khi phát hành xong sẽ được các kênh như ngân hàng, công ty chứng khoán tiếp tục phân phối thông qua kênh bán lẻ của họ. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp khoảng 12%/năm và tổng chi phí cho kênh này là khoảng 15%/năm với chi phí cho kênh phân phối, bảo lãnh phát hành. Trong khi đó, mức lãi suất tiền gửi hiện nay là khoảng 6%/năm, điều này khiến nhà đầu tư bị hấp dẫn khi mua trái phiếu doanh nghiệp…

Theo quy định mới của Luật Chứng khoán năm 2019, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp (vốn từ 2 tỷ đồng trở lên). Tuy nhiên các công ty chứng khoán hoặc nhà phân phối có đủ cách để hô biến một nhà đầu tư nghiệp dư thành chuyên nghiệp trong chớp mắt. “Nói là chuyên nghiệp nhưng nhiều nhà đầu tư cá nhân thậm chí không biết đọc báo cáo tài chính, không hiểu biết về doanh nghiệp mà chỉ thông qua kênh môi giới” - ông Huỳnh Anh Tuấn nêu thực tế.

Một “lỗ hổng” khác là các tập đoàn lớn thường không đứng ra phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà thông qua công ty con, không có thương hiệu, thậm chí mới vừa thành lập để phát hành, sau đó cho một đơn vị uy tín khác trong tập đoàn mua lại rồi bán lẻ cho nhà đầu tư. Còn nhà đầu tư lại cứ nghĩ trái phiếu do tập đoàn lớn phát hành, uy tín để đến khi xảy ra sự việc mới “ngã ngửa”. Để thị trường minh bạch, TS Lê Đạt Chí - Đại học Kinh tế TP.HCM đề xuất cần có những kênh thông tin đến nhà đầu tư.

Để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chúng ta cần nhận diện ngay những bất cập để có giải pháp cụ thể. Đây là hướng đi bảo đảm tính chuyên nghiệp giúp nhà đầu tư cá nhân an toàn, phù hợp hơn. Cùng với đó, khung pháp lý cần phải rõ ràng để phù hợp với sự phát triển tương đối nóng của thị trường thời gian qua.

“Ngay cả một trang tin về các doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhưng tôi là nhà đầu tư cá nhân tìm thấy rất ít thông tin về các doanh nghiệp phát hành. Do đó, cần phải có kênh để cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư bởi họ là người giám sát tốt nhất quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp” - TS Lê Đạt Chí nói. Với xếp hạng tín nhiệm, đây là yếu tố quan trọng nhưng không phải tất cả các nước đều bắt buộc. Các quy định hiện nay chưa đủ, chưa đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Do đó, cần phải có luật để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực.

Không vì “con sâu làm rầu nồi canh” mà thắt chặt quá mức

Để phát triển thị trường trái phiếu bền vững, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, kiến nghị Chính phủ sớm giải quyết, xử lý những vụ việc đã xảy ra trong thời gian qua để củng cố niềm tin của nhà đầu tư, chủ thể phát hành, kể cả doanh nghiệp. Xử lý càng nhanh càng tốt và nên công khai minh bạch kết quả. Tuy nhiên, không nên vì một số trường hợp, vài “con sâu làm rầu nồi canh” mà thắt chặt quá mức, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội, thị trường vốn là rất quan trọng. Đã gọi là thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường tài chính rất văn minh, do đó hãy để thị trường tự điều chỉnh chứ không phải là các hoạt động can thiệp, kiểm tra, giám sát quá chặt để doanh nghiệp không thể phát hành trái phiếu được. Nhất là trong bối cảnh tiếp cận vốn xưa nay là một điểm nghẽn lớn của thị trường tài chính.

Về dư địa thị trường, quy mô thị trường vốn hiện khoảng 17,5% GDP, con số này rất thấp so với Trung Quốc là 35,7%; Hàn Quốc 87% GDP; Singapore khoảng 36,5% GDP, Thái Lan khoảng 25% GDP… TS Cấn Văn Lực cho rằng, bản thân quy mô nền kinh tế của họ lớn và quy mô thị trường vốn của họ lớn. Để lành mạnh hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chúng ta cần nhận diện ngay những bất cập để có giải pháp cụ thể, như: Thị trường phát triển mới, nhanh; Tính công khai, minh bạch bạc và tuân thủ của thị trường chưa nghiêm; Chất lượng chủ thể thể phát hành và nhà đầu tư đều chưa tốt. Nền tảng nhà đầu tư còn hẹp nên cần thúc đẩy nhiều hơn nữa những quỹ đầu tư (quỹ đầu tư tư nhân, quỹ ký tác bất động sản…) để họ gom tiền, quản lý và đầu tư. Đây là hướng đi bảo đảm tính chuyên nghiệp giúp nhà đầu tư cá nhân an toàn, phù hợp hơn. Cùng với đó, khung pháp lý cần phải rõ ràng để phù hợp với sự phát triển tương đối nóng của thị trường thời gian qua.

Về xếp hạng tín nhiệm, cần xem xét nên khuyến kích hay bắt buộc, nhiều hay ít? Có thể quy định cụ thể hơn doanh nghiệp nào phải có xếp hạng tín nhiệm, doanh nghiệp nào chỉ khuyến khích. Đặt ra cơ chế “cây gậy và củ cà rốt” rõ ràng. Về quy định nhà đầu tư cá nhân, cần xem xét hạn chế nhà đầu tư cá nhân tràn lan. Như Singapore quy định nhà đầu tư cá nhân chỉ được đầu tư loại trái phiếu nào đó…