Cổ phiếu bất động sản: Giảm sâu liệu có hồi phục mạnh?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau đợt tăng thần tốc kể từ cuối năm 2021 thì cổ phiếu bất động sản đã trở thành "tội đồ" chính của thị trường khi nhiều mã “cắm đầu lao dốc”, kích hoạt những đợt bán tháo trên diện rộng.

Trước đó, cổ phiếu DIG đã tăng mạnh từ vùng giá chỉ 30.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu tháng 10/2021 lên mức trên 106.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 23/3. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, cổ phiếu này liên tục điều chỉnh giảm và chốt phiên giao dịch 22/4 vừa qua ở mức 60.500 đồng/cổ phiếu, tức là giảm hơn 43% sau 1 tháng.

Cũng diễn biến tương tự, cổ phiếu CEO đã tăng từ vùng chỉ quanh 9.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 9/2021 lên vùng đỉnh trên 72.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 24/3/2022. Sau đó cổ phiếu này cũng liên tục giảm, đặc biệt sau những tin tức tiêu cực liên quan đến một số doanh nghiệp bất động sản. Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua (22/4), cổ phiếu này đã giảm hơn 47% từ đỉnh, về mức chỉ hơn 38.000 đồng/cổ phiếu.

Đây là cảnh ngộ chung của hàng loạt cổ phiếu bất động sản khác như NHA, NBB, LDG, L14, HDC, UDC, HQC, CIG… Nhiều nhà đầu tư chạy theo những cổ phiếu tăng nóng này đã chịu mức lỗ lớn lên tới trên dưới 50%, thậm chí lỗ nhiều hơn khi bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.

Với việc chiếm tới khoảng 20% vốn hóa thị trường, việc cổ phiếu bất động sản lao dốc được coi là nguyên nhân chính dẫn đến đà giảm sâu và kéo dài của thị trường những phiên gần đây.

Cổ phiếu bất động sản trở thành "tội đồ" khiến thị trường liên tục giảm sâu những phiên gần đây

Cổ phiếu bất động sản trở thành "tội đồ" khiến thị trường liên tục giảm sâu những phiên gần đây

Nguyên nhân giảm điểm của nhóm cổ phiếu này, ông Đào Phúc Tường, chuyên gia tài chính cho rằng, bắt nguồn từ việc cổ phiếu bất động sản có tỷ lệ vay margin khá lớn, chỉ sau ngân hàng. Do vậy, khi có những cơn giải chấp xảy ra thì nhóm này bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Cùng với đó, bản thân trong nhóm bất động sản có rất nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ. Cổ phiếu đầu cơ là cổ phiếu có giá cao hơn quá nhiều so với giá đáng ra nó có, không chỉ những công ty làm ăn bết bát nhưng giá cổ phiếu cao, mà còn bao gồm cả những công ty tốt nhưng giá cổ phiếu ở vùng quá cao so với giá trị thực.

Với những cổ phiếu đầu cơ khi thị trường có vấn đề thường bị chiết khấu nhanh, kinh nghiệm cho thấy có thể giảm về vùng giá trị thực, thậm chí dưới giá trị thực sau đó mới bật lên.

Tuy nhiên, theo ông Tường, không phải cổ phiếu nào cũng bật lên. “Những cổ phiếu công ty tốt sau đó sẽ bật lên, còn những cổ phiếu tăng quá đà nhưng công ty thực sự không có cơ bản về hoạt động lõi của doanh nghiệp khi xuống sẽ đi rất xa, chưa biết bao giờ quay trở lại. Do đó, nhà đầu tư phải cẩn thận với trường phái cho rằng thị trường xuống sâu sẽ bật nhanh”, vị chuyên gia nói.

Nói rõ hơn, ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng thời gian qua, có thời điểm ở vùng nhiễu thông tin, có doanh nghiệp không phải doanh nghiệp niêm yết như Tân Hoàng Minh gặp vấn đề đã tạo cú sốc lớn về dòng tiền, về ngành bất động sản, gây hệ lụy ảnh hưởng tới doanh nghiệp bất động sản trên sàn.

Về nội tại nhóm cổ phiếu này, ông Hà cho biết hiện nay, trong phân ngành bất động sản có ít nhất 3 loại hình gồm bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản khu công nghiệp và bất động sản nhà ở.

Trong thời qua, nhóm bất động sản khu công nghiệp có sự tăng trưởng. Nhóm bất động sản nghỉ dưỡng chịu tác động do ảnh hưởng dịch bệnh.

Trong thời gian tới, ông Hà cho rằng, về trung và dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có những tin tốt, yếu tố tích cực, vì nước ta dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, nhu cầu nhà ở tất yếu.

“Do đó, doanh nghiệp làm ăn tốt, tình hình tài chính lành mạnh, không liên quan tin đồn thất thiệt trên thị trường sẽ tăng trưởng”, CEO MBS đưa ra dự báo.