81 năm Ngày Truyền thống ngành Tuyên giáo 1-8-1930/1-8-2011):

Tạo niềm tin và sự đồng thuận cho Thủ đô phát triển

ANTĐ - “Nói đúng mới đáp ứng được 50% yêu cầu. Quan trọng hơn là phải giải thích được cặn kẽ vì sao như vậy. Có thắc mắc, băn khoăn cũng phải được lý giải, phân định rõ ràng đúng - sai...”. Đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội từng nêu một yêu cầu rất xác đáng như vậy với những người làm tuyên giáo Thủ đô.

Chủ động, sáng tạo

Báo chí - một thế mạnh của Thủ đô Hà Nội luôn được Ban Tuyên giáo Thành ủy quan tâm

(Đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi thăm gian hàng Báo An ninh Thủ đô tại Hội Báo xuân Hà Nội)

Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, nơi luôn được dư luận đặc biệt quan tâm. Một việc dù nhỏ ở Hà Nội, cũng có thể khiến dư luận cả nước phải dõi mắt theo. Thế nên, làm công tác tuyên giáo ở Hà Nội có thể nói là phức tạp và bận rộn nhất.

Hơn 3 năm trở lại đây, Hà Nội trải qua hàng loạt sự kiện có thể nói là chưa có tiền lệ. Phải kể tới đầu tiên là ngày 1-8-2008, khi Thủ đô Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính. Bên cạnh hàng núi công việc phải làm, tâm tư, nguyện vọng của gần 7 triệu người dân, của hàng trăm nghìn cán bộ công chức khi hợp nhất chính là mối quan tâm hàng đầu của người làm tuyên giáo Hà Nội. Phức tạp là thế nhưng cũng đã 3 năm kể từ ngày 1-8-2008, cỗ máy hành chính Hà Nội đang vận hành ngày càng trơn tru là minh chứng rõ ràng nhất cho sự đồng thuận rất cao trong nhân dân. Tất nhiên, không chỉ mình ngành tuyên giáo làm nên thành công đó nhưng có thể nói công tác tuyên truyền đã góp phần công sức lớn.

Chỉ trong gần 1 năm nay, Hà Nội cũng đã trải qua những sự kiện lớn chưa từng có như Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016... Ấy là chưa kể tới việc Hà Nội đã giải quyết tốt nhiều điểm nóng phức tạp về GPMB, về lợi dụng tôn giáo... Những sự kiện đó không chỉ đòi hỏi phải tốn nhiều tâm sức để giải quyết mà chỉ cần một bước đi không thích hợp cũng có thể để lại những hệ lụy khó lường. Đắm mình trong chuỗi sự kiện đó, người làm tuyên giáo Hà Nội vẫn lặng lẽ đi, nghe, chủ động nắm bắt tư tưởng, tâm lý xã hội, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh và triển khai sáng tạo, kịp thời các biện pháp phù hợp.

Nhìn lại 3 năm Thủ đô trải qua nhiều sự kiện trọng đại, đồng chí Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tâm sự: “Trước mỗi vấn đề, cần khẩn trương tiếp cận, tìm hiểu để nắm bắt thông tin, kịp thời định hướng dư luận và đề xuất biện pháp giải quyết. Phải hết sức tránh để trống trận địa thông tin, tư tưởng vì đó chính là cơ hội cho những kẻ xấu, các thế lực thù địch tung ra những thông tin sai lệch, những luận điệu sai trái gây phân tâm, nghi ngờ trong xã hội”.

Đội ngũ báo chí Thủ đô, trong đó có Báo An ninh Thủ đô, cũng là một lực lượng góp phần không nhỏ trong thành công chung của những người làm công tác tuyên giáo. Đồng hành cùng Thủ đô đổi mới và phát triển, Báo An ninh Thủ đô từ một bản tin nội bộ của Công an Hà Nội, sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay đã trở thành một cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện có sức lan tỏa cao với đầy đủ 3 loại hình (báo in, báo điện tử, báo hình). Chính sức lan tỏa cao, lay động lớn của An ninh Thủ đô đã vừa góp phần định hướng dư luận nhân dân, vừa góp phần tạo nên thành công chung của nhiệm vụ tuyên giáo trong tình hình mới. Bên cạnh đó, với nhiều hoạt động xã hội tình nghĩa thiết thực, báo chí Hà Nội, trong đó đi đầu là An ninh Thủ đô, Hà Nội mới, Truyền hình Hà Nội… đã tạo nên một sức thuyết phục khác nữa của những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng với công chúng và xã hội.

Thổi niềm tin vào quần chúng

Là người am hiểu rất sâu sắc về công tác tuyên giáo, đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội từng thẳng thắn chia sẻ kinh nghiệm của mình với những lớp cán bộ mới: “Cần hiểu được sứ mệnh của công tác tuyên giáo. Cần tập trung quan tâm, sâu sát quần chúng để lắng nghe, không ngừng học hỏi, liên tục cập nhật thông tin, thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong phong cách làm việc, tuyệt đối không sa vào lối mòn, sao chép, lạc hậu... Người làm công tác tuyên giáo phải “thổi được niềm tin vào quần chúng”. Nếu chỉ nói đúng thì mới đáp ứng được 50% yêu cầu. Quan trọng hơn là phải giải thích được cặn kẽ vì sao như vậy. Có thắc mắc, băn khoăn cũng phải được lý giải, phân định rõ ràng đúng - sai...”.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi cũng nhìn nhận: “Sức sống của công tác tuyên giáo không phải ở nghệ thuật thuyết giáo mà bắt nguồn từ việc đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân và những yêu cầu của cuộc sống”. Ông nói: “Chúng tôi phải không ngừng đổi mới lề lối làm việc, liên tục gia tăng sự kết nối giữa các lực lượng làm công tác tư tưởng, tuyên giáo. Thước đo hiệu quả của công tác tuyên giáo chính là sức thuyết phục. Chỉ riêng ngành tuyên giáo không thể tạo ra được tính thuyết phục. Thành công trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hiệu quả trong việc giải quyết trên thực tế các vấn đề nổi cộm, bức xúc tự nó tạo ra sức thuyết phục không lời”.

Cuối tuần trước, tại lễ công bố Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu TP Hà Nội cần tuyên truyền sâu rộng về Đồ án Quy hoạch tới các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận về nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện tốt quy hoạch. Lại thêm một nhiệm vụ mới cho những người làm tuyên giáo Hà Nội; nhưng như lời đồng chí Hồ Quang Lợi, dù có khó khăn, bước chân của đội ngũ tuyên giáo Thủ đô vẫn tiếp nối nhau, bền bỉ vượt lên, chủ động, sáng tạo đồng hành cùng mỗi bước phát triển của Thủ đô...