Tiếp diễn phiên xử ổ nhóm kinh doanh đa cấp “bậy”:

Tạo lập pháp nhân gây thanh thế và để chiếm đoạt nhiều tiền hơn

ANTĐ - Ngày xét xử thứ ba liên tiếp vào hôm nay (20-7) đối với Lâm Phúc Hùng cùng đồng bọn, tòa án tiếp tục thẩm vấn các bị cáo xoay quanh chuỗi hành vi bán hàng “ảo”, thu tiền thật. Với sự gia tăng từng ngày của mạng lưới đa cấp, Hùng đã tạo lập doanh nghiệp thay thế Câu lạc bộ Du khách và để kiếm “bộn” tiền hơn.

Cũng như ở 2 ngày đầu xét hỏi các bị cáo, Lâm Phúc Hùng cùng đồng phạm đều trả lời các câu hỏi của tòa một cách rất trơn tru và khá mạch lạc. Tuy nhiên, đằng sau sự trơn tru và mạch lạc ấy lại là một thái độ quanh co hòng thoái thác tội phạm. Dù vậy, chắp nối lời khai của các bị cáo, những người có mặt tại phiên xử đều dễ dàng nhận thấy cái đích của chiếc “bánh vẽ” đa cấp do Hùng tạo ra là ngày càng kiếm được “bộn” tiền hơn.

Cụ thể, lời khai của Lâm Phúc Hùng cùng Nguyễn Thị Ái Dân cho thấy, giữa năm 2010, sau khi Câu lạc bộ Du khách (CLB) hoạt động được một thời gian, Phạm Thị Thủy đã dần nhận ra thực chất khoản tiền thưởng cho các thành viên trong hệ thống DHT chỉ là tiền “ảo” trong ví điện tử. Khi muốn lấy tiền thật thì người được thưởng phải dùng số tiền “ảo” trong ví điện tử để tạo các mã ID mới cho những người tham gia sau và thu tiền thật của họ.

Bộ đôi Hùng - Dân (đứng giữa, hàng trên) cùng các bị cáo liên quan tại phiên tòa

Thấy rõ được bản chất của loại hình kinh doanh đa cấp gắn với thương mại điện tử, trong khi mục đích chính của Thủy là tổ chức các chuyến du lịch ngoài nước, đồng thời sẽ bán được nhiều vé máy bay hơn không đạt được nên người phụ này đã nhanh chóng chấm dứt vai trò trong CLB Du khách. Dù vậy, Thủy vẫn “nuôi dưỡng” và phát triển ID của mình trong hệ thống DHT nhằm hưởng lợi vật chất.

Về phía Hùng, đối tượng nhận thấy CLB Du khách có nguy cơ phá sản do “sứt mẻ” những người “cầm trịch”, đồng thời không xứng tầm về mặt tư cách trước sự gia tăng khủng khiếp của hàng nghìn khách hàng. Do đó, Hùng đã nhanh chóng liên kết với Nguyễn Thị Ái Dân – cựu Giám đốc Công ty TNHH Hợp tác phát triển IQCom (gọi tắt là IQCom) để có được tư cách pháp nhân.

Theo đó, giữa tháng 7-2010, Hùng mời Hsueh Cho-Ting (tức Andy Hsu, sống tại Hồng Kông- Trung Quốc) – quản lý DHT sang Việt Nam để Dân “diện kiến”, đồng thời ký kết hợp đồng môi giới và xúc tiến thương mại. Với hợp đồng này, IQCom lấy danh nghĩa là đại diện của Công ty Diamond Holyday Travel (Công ty ở Mỹ và là chủ nhân trang mạng Usdiamondholyday.com).

Mục đích của Hùng, Dân là sẽ dùng bản hợp đồng môi giới và xúc tiến thương mại ký kết với Công ty Diamond Holyday Travel, do Andy Hsu làm đại diện để “che mắt” cơ quan chức năng, hợp thức hóa hoạt động kinh doanh “bậy” và tạo thanh thế với hàng vạn khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, sau khi vụ án bị triệt phá, CQĐT đã làm rõ doanh nghiệp nêu trên tuy được đăng ký ở Mỹ nhưng “lai lịch” cũng như hoạt động kinh doanh rất “lởm khởm” và mập mờ.

Cũng theo lời khai nhận hành vi của các bị cáo, kể từ tháng 7-2010, IQCom chính thức đổi tên thành Công ty CP Thương mại Diamond Holyday Việt Nam (gọi tắt là DHV) và tiếp quản hoạt động kinh doanh đa cấp thương mại điện tử từ CLB Du khách với việc không ngừng mở rộng quảng bá gói “sản phẩm du lịch” 4 ngày 3 đêm như đã nêu ở bài viết trước. Tạo sự bề thế, các đối tượng “cầm chịch” ở giai đoạn phạm tội này phân công Dân giữ chức Chủ tịch HĐQT và Hùng làm Tổng giám đốc DHV.

Làm rõ tội phạm của Hùng cùng đồng bọn, các cơ quan tố tụng đã chứng minh, tính đến tháng 10-2010, mặc dù Andy Hsu vẫn chưa chính minh được hồ sơ pháp lý về doanh nghiệp đối với đối tác cùng cơ quan chức năng Việt Nam, song Công ty DHV vẫn ra sức lôi kéo hàng nghìn người gia nhập vào hệ thống DHT. Giai đoạn này, bộ đôi Hùng – Dân chiêu mộ thêm Phạm Hồng Thanh và Đỗ Trang Đoan cùng tham gia bán hàng đa cấp “bậy”.

Tổng cộng từ giữa năm 2010 đến tháng 7-2011, Công ty DHV do Lâm Phúc Hùng làm Tổng giám đốc đã bán được gần 4.000 mã khách hàng mua gói “sản phẩm du lịch” 4 ngày 3 đêm trong hệ thống DHT với số tiền thu về là hơn 27,8 tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng đã chuyển khoản qua ngân hàng cho Andy Hsu 157.500 USD (tương đương hơn 3,1 tỷ đồng) để hàng nghìn bị hại trở thành mạng lưới đa cấp tiếp theo.

Mặc dù hành vi của ổ nhóm tội phạm kinh doanh đa cấp “bậy” trong giai đoạn này được chứng minh như trên, song trước tòa cả Hùng và Dân cùng một số bị cáo liên quan đều nhất mực cho rằng hoạt động kinh doanh của Công ty DHV là không trái pháp luật. Và bản thân các bị cáo không hề chiếm đoạt tiền của bất kỳ khách hàng nào trong hệ thống DHT. Bởi lẽ công ty của Dân và Hùng chỉ đơn thuần là đơn vị môi giới và xúc tiến thương mại cho đối tác nước ngoài.