Tạo động lực tăng tốc

ANTD.VN - Từ khi nền kinh tế nước ta bước vào thời kỳ đổi mới đến nay ngành đường sắt dường như ngày càng thụt lùi, ì ạch so với hàng không và đường bộ. 

Thậm chí sau 10 năm Luật Đường sắt đi vào cuộc sống, kết cấu hạ tầng đường sắt hầu như không có gì thay đổi khiến “con tàu Việt Nam” ngày càng yếu thế và lép vế so với các loại hình vận tải khác. Nguyên nhân do đâu, phải làm gì để tiếp sức cho ngành vận tải nhiều tiềm năng, ưu thế này có thể cạnh tranh ngang ngửa với hai “đối thủ” nặng ký?

Nguyên nhân cơ bản được một số đại biểu Quốc hội chỉ ra là đầu tư từ ngân sách cho lĩnh vực đường sắt quá ít và chưa có chính sách phù hợp để hút vốn đầu tư xã hội. Cụ thể, trong giai đoạn 2005-2015, tổng vốn đầu tư “rót” vào kết cấu hạ tầng đường sắt chỉ chiếm 10% tổng lượng vốn đổ vào toàn ngành giao thông. Vận tải đường sắt “đói” vốn triền miên, trong khi các chính sách kêu gọi vốn đầu tư lại không phù hợp. 

Kinh nghiệm ở nước châu Á cũng như châu Âu cho thấy, ngành đường sắt chỉ đạt hiệu quả kinh doanh khi phát triển được hệ thống dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa vì dịch vụ này thường chiếm tới 40 - 50% tổng doanh thu của toàn ngành. Hiếm có nước nào như Việt Nam, đường sắt chạy dọc theo chiều dài đất nước, lẽ ra phải được quan tâm, ưu đãi vì lợi thế nổi trội so với đường bộ, đường hàng không. Tiếc thay, vận tải đường sắt ngày càng mất thị phần bởi kết cấu hạ tầng không được “để mắt” đầu tư, thậm chí bị lãng quên. 

Trong khi đó, theo dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi, ít nhất từ nay đến năm 2020, ngành đường sắt không được bố trí vốn để phát triển kết cấu hạ tầng vì trong kế hoạch vốn đầu tư trong giai đoạn 2016 -2020 đã được Quốc hội thông qua không có khoản tiền nào đổ vào đường sắt.

Trong bối cảnh eo hẹp vốn đầu tư, một số ý kiến cho rằng cần mở ra cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích tư nhân tham gia khai thác đường sắt. Muốn mở cửa cho tư nhân, vấn đề cực kỳ quan trọng là ai sẽ quyết định giá vé, giá cước. Nếu Nhà nước vẫn nắm giá vé vận tải hành khách, giá cước vận tải hàng hóa thì rất khó kêu gọi tư nhân khai thác đường sắt, nhất là hạn chế cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Thực tế không thể phủ nhận là, vận tải đường bộ, đường hàng không sôi động trong thời gian qua một phần đáng kể là do có sự cạnh tranh quyết liệt. Bởi thế, phải để doanh nghiệp tự quyết định mức giá, vé vận tải, vận chuyển. Như vậy sẽ tạo động lực mạnh mẽ để ngành đường sắt tăng tốc trong cuộc “chạy đua” với đường bộ, đường không.