Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, mục đích của việc sửa đổi luật về xuất nhập cảnh là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài...
Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Quốc hội ngày 2-6

Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Quốc hội ngày 2-6

Cuối phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 2-6, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thể chế hóa chủ trương phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng Chính phủ số, đứng trong số 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về Chính phủ điện tử kinh tế số.

Đồng thời, việc xây dựng luật còn đáp ứng yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 76/2022 để bổ sung thông tin nơi sinh vào hộ chiếu và khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân năm 2019 và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Trên thực tế, mục đích của việc sửa đổi luật này là tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam và người Việt Nam xuất cảnh ra nước ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Hồ sơ dự án luật được xây dựng theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, các địa phương và đã được Chính phủ thống nhất thông qua.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận

Tóm lược lại các nhóm ý kiến chính mà nhiều ĐBQH phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, nội dung nhiều ĐBQH quan tâm là đề nghị làm rõ hơn căn cứ để nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên đến không quá 3 tháng hoặc 90 ngày.

Ngoài ra, các ĐBQH cũng đề nghị làm rõ hơn căn cứ bổ sung quy định mở rộng diện điều kiện cấp thị thực điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ; đề nghị làm rõ hơn căn cứ nâng thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày...

Cũng có ý kiến đề nghị cần rà soát các quy định của luật này với dự thảo Luật Căn cước để đảm bảo thống nhất, không mâu thuẫn, chồng chéo…

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan có liên quan của Quốc hội tiếp thu, giải trình, báo cáo cấp có thẩm quyền, hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội thông qua vào ngày 24-6-2023.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tóm lược, các ý kiến ĐBQH phát biểu đều cơ bản tán thành với tờ trình và hồ sơ cũng như dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, nhất là về tính cấp thiết để mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế du lịch nói riêng và tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực này.