Tăng tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, vẫn còn nhiều băn khoăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Bộ LĐ-TB&XH, quy định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội như hiện nay tạo cơ hội cho doanh nghiệp tách nhiều khoản trợ cấp để không đóng bảo hiểm cho người lao động.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH

Trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi mới nhất, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất hai phương án quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động.

Phương án 1, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Phương án 2, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là vấn đề được nhiều doanh nghiệp và người lao động quan tâm.

Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã tổng hợp ý kiến của các hiệp hội và doanh nghiệp.

Liên quan tới căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc, các hiệp hội,doanh nghiệp cho rằng, đây là nội dung có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ ở bài toán an sinh cho xã hội, người lao động, mà còn là bài toán năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Vì thế, Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá điều kiện thực tiễn, có cân nhắc kinh nghiệm quốc tế, khu vực một cách toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh hết sức khó khăn hiện nay để lựa chọn phương án khả thi, hợp lý.

Về phía cơ quan thực thi chính sách, BHXH Việt Nam ủng hộ phương án 2 với lý do Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành Trung ương đã đưa ra quy định: Sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.

Đồng quan điểm, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, Luật BHXH nên quy định đóng trên nền 70-80% thu nhập của người lao động ở mức ổn định.

Tuy nhiên tỷ lệ phần trăm đóng BHXH (của người lao động và doanh nghiệp) vẫn phải giữ nguyên mức 25% như hiện nay. Có như vậy mới đảm bảo lương hưu của người lao động được cải thiện.