Tăng thời giờ làm thêm: Có nên "mở toang" cho các ngành nghề?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xung quanh đề xuất nâng số giờ làm thêm trong một tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ mỗi tháng, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Việc tăng số giờ làm thêm cần tính toán đến ngành nghề đặc thù

Việc tăng số giờ làm thêm cần tính toán đến ngành nghề đặc thù

Tại dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong một tháng và trong một năm của người lao động vừa được công bố mới đây, Chính phủ đề xuất tăng số giờ làm thêm tối đa từ 40 giờ lên 72 giờ/tháng, nhưng không quá 300 giờ/năm, không giới hạn nhóm, ngành nghề, công việc.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, điều 107 Bộ luật Lao động quy định làm thêm không quá 40 giờ mỗi tháng; một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản ...) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ mỗi năm.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội, mong muốn được thỏa thuận với người lao động làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.

Mặc dù vậy, xung quanh đề xuất nâng số giờ làm thêm trong một tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ mỗi tháng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.

Trải qua thời gian dài khó khăn vì dịch bệnh, hầu hết người lao động đều mong làm thêm để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, việc tăng thời gian làm lên 72 giờ/tháng đồng nghĩa với bình quân mỗi ngày, người lao động phải làm thêm gần 3 tiếng. Mức thời gian làm thêm này dường như là quá sức với nhiều người lao động, đặc biệt với lao động trong các lĩnh vực sản xuất, lao động nặng nhọc và độc hại.

Là cơ quan đại diện cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Văn Thuật cho biết trong quá trình chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan này đã lấy ý kiến của hơn chục nghìn lao độngvề việc tăng thời giờ làm thêm theo tháng và theo năm.

Đa số người lao động đồng tình quan điểm và ủng hộ đề xuất của Chính phủ về mở rộng cũng như tăng thời giờ. Người lao động cũng cho rằng việc tăng thời giờ làm thêm sẽ giúp khắc phục khó khăn mà người lao động và doanh nghiệp đang gặp phải trong bối cảnh hiện nay.

Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, Tổng Liên đoàn cho rằng, chỉ nên nâng mức trần thời gian làm thêm theo tháng lên 150%. Đồng thời đề nghị không áp dụng chính sách đối với phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, công việc nặng nhọc, độc hại...

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, làm thêm giờ là vấn đề thực tế đời sống, rất cần thiết cho cả doanh nghiệp và người lao động, đặc biệt trong bối cảnh 2 năm vừa qua, do đại dịch Covid-19, người lao động rơi vào tình trạng mất hoặc thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống.

Nhưng về bản chất, làm thêm giờ vẫn là kéo dài thời gian lao động, đồng nghĩa với việc tăng cường độ lao động và ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu cho phép kéo dài thời gian làm thêm quá mức. Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc nới trần làm thêm giờ cần thực hiện trên cơ sở bảo đảm sức khỏe cho người lao động và bù đắp bằng thu nhập hợp lý.

Đặc biệt, việc tăng giờ làm thêm chỉ nên áp dụng trong các ngành nghề, lĩnh vực có yêu cầu cấp thiết và trong thời gian nhất định.