Tăng sức đề kháng

(ANTĐ) - Dù nặng hay nhẹ, ảnh hưởng của “cơn bão” tài chính thế giới lên nền kinh tế nước ta là khó tránh khỏi. Những thay đổi chính sách của nhiều nước trong thời gian gần đây buộc ta phải “soi” lại việc giám sát hệ thống tài chính quốc gia. Tăng sức đề kháng cho thị trường tài chính là hết sức cần thiết, song các cơ quan quản lý dường như tỏ ra khá chậm trễ.

Tăng sức đề kháng

(ANTĐ) - Dù nặng hay nhẹ, ảnh hưởng của “cơn bão” tài chính thế giới lên nền kinh tế nước ta là khó tránh khỏi. Những thay đổi chính sách của nhiều nước trong thời gian gần đây buộc ta phải “soi” lại việc giám sát hệ thống tài chính quốc gia. Tăng sức đề kháng cho thị trường tài chính là hết sức cần thiết, song các cơ quan quản lý dường như tỏ ra khá chậm trễ.

Trước hết là “lỗ hổng” quản lý rủi ro chứng khoán. Theo thông báo của ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đến giữa tháng 10-2008 mới có 19/97 công ty chứng khoán tách bạch tài khoản của các nhà đầu tư tại các ngân hàng ngoại thương.

Đa số các công ty vẫn đang quản lý số dư tiền trên tài khoản của nhà đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, chúng ta chưa có một quy định nào về quản lý rủi ro lượng tài sản lớn này. Khả năng các công ty chứng khoán sử dụng đòn bẩy kinh tế là rất lớn. Ví dụ một công ty chứng khoán có thể thế chấp số chứng khoán sở hữu để vay vốn, đầu tư tiếp và quay nhiều vòng, nhiều lần.

Ai dám đảm bảo cơ quan quản lý Nhà nước đang nắm rõ mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính đầy rủi ro của các công ty chứng khoán? Mặc dù gần đây, Sở Giao dịch TP.HCM mới có yêu cầu các công ty chứng khoán trích dự phòng giảm giá chứng khoán cho hoạt động đầu tư tài chính. Thế nhưng, mức độ trích ra sao, trích bao lâu thì chưa quy định cụ thể. Bởi thế, mạnh công ty nào, công ty nấy trích, nhà đầu tư cũng khó kiểm chứng mức trích dự phòng đã đủ chưa.

Mặt khác trích dự phòng rủi ro chỉ áp dụng với các khoản đầu tư ngắn hạn. Không ai rõ mức đầu tư nào là ngắn hạn, dài hạn, thế nên mới có tình trạng nhiều công ty chứng khoán chuyển các khoản đầu tư sang dài hạn để “né tránh” phải trích dự phòng rủi ro. Trên thực tế, hiện có không ít công ty chứng khoán bị lỗ, buộc phải đóng cửa chi nhánh, giảm số lượng và lương nhân viên.

Theo thống kê 6 tháng đầu năm nay, có công ty công bố lỗ 324 tỷ đồng trên vốn điều lệ 450 tỷ đồng, tức là lỗ hơn 2/3 vốn, vậy mà không có một cơ chế giám sát đặc biệt nào. ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhiều lần yêu cầu, đòi hỏi các công ty chứng khoán thường xuyên báo cáo về dòng vốn của các nhà đầu tư trong các tài khoản để có cơ sở giám sát. Song đòi hỏi như vậy chưa đủ tăng sức đề kháng cho thị trường.

Trong khi đó, một số công ty chứng khoán đang hướng tới mô hình ngân hàng đầu tư và không ít ngân hàng “đi” bằng hai chân: Thương mại - đầu tư. Thực ra mô hình ngân hàng đầu tư là cần thiết. Chứng khoán hóa hay sử dụng đòn bẩy tài chính để tạo vốn là công cụ tài chính hiệu quả, nhưng để đảm bảo độ an toàn, điều trước tiên là phải đưa ra khung pháp lý cho nó hoạt động và Nhà nước điều tiết.

Các công cụ tài chính ngày càng trở nên tinh vi và có độ rủi ro cao, cho nên không thể buông lỏng quản lý. Mô hình ngân hàng đầu tư cũng phải được quản lý dưới góc độ vốn, dự phòng rủi ro, các chỉ số an toàn và được giám sát chặt, chí ít cũng chặt như quản lý ngân hàng thương mại. Nhìn rộng ra, để tăng sức đề kháng cần phối hợp đồng bộ trong việc xây dựng khung pháp lý và giám sát của cả cơ quan quản lý tài chính - chứng khoán - ngân hàng.

Đan Thanh