Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Tăng quyền cho Thủ đô
(ANTĐ) - Hôm qua, 15-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô. Trong phiên thảo luận cuối cùng của UBTVQH trước khi dự luật này được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, dự kiến diễn ra vào tháng 3 tới, sự đồng thuận đã tăng lên đáng kể.
Thường trú có điều kiện
Sức ép dân số khiến hệ thống hạ tầng Hà Nội luôn quá tải |
Theo bản giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Thủ đô của UBTVQH, do Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày, nhiều đề xuất của Ban Soạn thảo và ý kiến của UBTVQH đã “gặp nhau”. Liên quan tới vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm (quản lý dân cư), UBTVQH cho rằng, với số dân nhập cư vào khu vực nội thành Hà Nội ngày càng gia tăng (tỷ suất nhập cư là 65,3% trong giai đoạn 5 năm 2005-2009), sức ép về dân số đang thực sự là thách thức đối với Thủ đô. Hà Nội đang phải đối mặt với sự quá tải về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng. Để có thể giải quyết thực trạng này, việc bổ sung các điều kiện cư trú chặt chẽ hơn tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân nội thành.
Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý dự thảo luật theo hướng: Giữ nguyên các điều kiện đăng ký thường trú tại nội thành đối với trường hợp được điều động, tuyển dụng, làm việc theo hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại cơ quan, tổ chức thuộc khu vực Nhà nước; trường hợp về ở cùng với người thân hoặc trường hợp người trước đây đã từng có hộ khẩu trong nội thành như quy định hiện hành của Luật Cư trú. Chỉ quy định các điều kiện đăng ký thường trú trong nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn đối với nhóm đối tượng không thuộc các trường hợp nêu trên.
Quy định này chỉ đặt ra đối với trường hợp đăng ký thường trú, còn đối với tạm trú và lưu trú thì không quy định đặc thù mà thực hiện theo quy định của Luật Cư trú với thủ tục đơn giản để khuyến khích người dân đăng ký, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý. Cụ thể, đối với người thuộc nhóm đối tượng này thì được đăng ký thường trú tại nội thành ít nhất 3 năm khi đáp ứng đủ các điều kiện (có việc làm hợp pháp, ổn định ở Hà Nội; có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê lâu dài của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đã tạm trú liên tục tại nơi đề nghị).
Xử phạt cao là cần thiết
Về vấn đề quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trên địa bàn Hà Nội cao hơn mặt bằng chung cả nước, UBTVQH cho biết: “Đây là một trong những giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu vi phạm. Việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn không xâm phạm đến quyền bình đẳng trước pháp luật của công dân, bởi lẽ bất kỳ ai khi có hành vi vi phạm pháp luật ở cùng địa điểm thì đều bị xử phạt như nhau. Hơn nữa, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn chỉ nhằm vào một số ít những người có hành vi vi phạm pháp luật để răn đe mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, UBTVQH cũng đã cho rà soát lại và chỉnh lý nội dung này theo hướng bỏ 2 lĩnh vực cư trú và văn hóa ra khỏi phạm vi nâng mức xử phạt. Song, bổ sung lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội vào dự thảo bởi đây là một trong các lĩnh vực quan trọng, trong đó có một số hành vi đặc thù cần được áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn. UBTVQH cũng đề nghị, “xác định rõ mức trần của việc xử lý vi phạm là không quá 2 lần so với mức chung của cả nước” để làm cơ sở giao Chính phủ quy định cụ thể.
Liên quan đến quy hoạch Thủ đô, để giải quyết thực trạng xây dựng lộn xộn không có quy hoạch tổng thể hợp lý, nhất là ở các tuyến đường lớn mới mở, với những mô hình, kiểu dáng khác nhau, nhà “siêu mỏng”, “siêu méo”... dự thảo luật đã được bổ sung quy định, khi triển khai dự án đường giao thông, phải đồng thời tổ chức thu hồi đất hai bên đường theo quy hoạch. Đối với các tuyến đường cũ cần phải cải tạo, Hà Nội có trách nhiệm lập dự án để quy hoạch lại, bảo đảm phát triển cân bằng, ổn định, giữ gìn không gian kiến trúc và nét đặc trưng của đô thị, nâng cao điều kiện sống của người dân. Đồng thời, để bảo đảm quyền lợi cho người dân, dự thảo cũng bổ sung quy định, phải ưu tiên cho người dân được tái định cư tại chỗ; ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi mà có dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất...
Chính Trung