Tăng ồ ạt, giảm nhỏ giọt

ANTĐ - Từ sáng nay 10-3, một số hãng gas công bố giảm nhẹ giá bán khoảng 10.000 đồng/bình 12kg do áp lực dư luận, đồng thời như một sự chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Giá gas giảm có làm “hạ nhiệt” tâm lý “té nước theo mưa” cùng giá xăng?

Giá cao nên phải giảm

Thông tin tích cực này được Saigon Petro công bố đầu tiên. Ông Đỗ Trung Thành - Phó phòng kinh doanh Saigon Petro gas cho biết: “Chúng tôi quyết định giảm giá để chia sẻ với người tiêu dùng và góp phần bình ổn giá”. Mức giảm của hãng này là 833 đồng/kg, tương đương 10.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ gas đến tay người tiêu dùng tại khu vực Saigon Petro có thị phần lớn là thành phố Hồ Chí Minh ở mức 451.000 đồng/bình 12 kg. Động thái này có thể “mở màn” cho các hãng gas khác cũng giảm giá theo.

Theo ông Thành, khoản tiền do giảm giá bán lẻ mang lại hoàn toàn trích từ lợi nhuận của công ty. Ví như trong tháng 2-2012, kể từ ngày doanh nghiệp này quyết định giảm 10.000 đồng/bình gas 12 kg đến cuối tháng, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm từ 1,5-2 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Thành cũng xác nhận, giá gas giảm khiến lượng tiêu thụ mặt hàng này tăng lên rõ rệt, bù đắp được phần nào lợi nhuận bị hụt.

Giám đốc 1 công ty gas khác cũng thừa nhận, do nhiều đợt tăng giá liên tiếp gần đây đã làm giảm mạnh lượng khách hàng. Vì vậy, cần giảm giá bán lẻ để tăng tiêu dùng trong nhân dân. “Giá bán lẻ gas áp dụng từ đầu tháng quá cao, gần 500.000 đồng/bình nên giảm giá cũng là điều cần nghĩ tới”- ông nói. Song việc đáng lưu tâm hiện nay, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều hãng gas công bố giảm giá bán lẻ, nhưng thực chất chỉ giảm đối với đại lý mà không giảm tới người tiêu dùng. Do đó, đại lý được hưởng lợi rất lớn và tăng thêm những phức tạp của thị trường gas. Người tiêu dùng cần nắm bắt được thông tin này để được đảm bảo quyền lợi khi mua gas.

Trong bối cảnh người tiêu dùng lo lắng bởi giá xăng tăng và tác động lớn của mặt hàng này tới chi tiêu, việc giá gas giảm là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chủ tịch Hiệp hội gas Việt Nam lại cho hay chưa nắm được thông tin này vì… đang đi họp. 

Chưa ảnh hưởng tới lợi nhuận 

Ghi nhận trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trước hành động giảm giá vào thời điểm “nhạy cảm” này nhưng Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, giá giảm “chưa đánh vào lợi nhuận của doanh nghiệp mà mới chỉ khớp với mức tăng của giá thế giới. Điều đó cũng chứng tỏ doanh nghiệp đầu mối gas có thể giảm giá thêm nữa cho người tiêu dùng”. Chuyên gia này cũng cho biết thêm, hiện nay kinh doanh gas vẫn giữ thế độc quyền từ khâu nhập khẩu đến bán lẻ. Quá trình này qua 4 khâu: nhập khẩu - doanh nghiệp đầu mối - đại lý - bán lẻ cho người tiêu dùng. Mỗi khâu lại đưa ra một mức giá độc quyền, tạo ra mức giá bán cao so với giá gốc và khó kiểm soát. 

Một chuyên gia kinh tế khác cho hay, việc doanh nghiệp giảm giá không căn cứ vào diễn biến giá xăng dầu thế giới cho thấy họ có thể đã có thời kỳ tăng giá quá mạnh. Ông khẳng định, cần thực hiện thị trường hóa thực sự với mặt hàng gas, tạo cạnh tranh bình đẳng từ khâu nhập khẩu đến phân phối, bán lẻ; có cơ chế quản lý chặt chẽ như quản lý mặt hàng xăng dầu và cần phải “thổi còi”, phạt nặng trước hành vi tăng giá bất hợp lý.

Từ đầu năm đến nay, giá gas đã tăng 4 lần thêm 126.000 đồng và giảm 3 lần với tổng mức giảm 36.000 đồng/bình 12 kg. Cụ thể:

Ngày 1-1-2012, gas tăng giá thêm 24.000 đồng/bình 12kg.
Ngày 5-1-2012, gas tăng thêm 8.000 đồng/bình 12 kg, nâng giá bán lẻ lên mức phổ biến là 383.000 đồng/bình 12 kg.
Ngày 1-2-2012, giá gas tăng mạnh thêm 42.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ lên mức 430.000 đồng/bình 12kg.
Ngày 10-2-2012, gas giảm 10.000 đồng/bình 12 kg.
Ngày 1-3-2012, giá gas tiếp tục tăng sốc thêm 52.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ tối đa lên tới hơn 500.000 đồng/bình 12 kg.
Ngày 3-3-2012, Bộ Tài chính giảm thuế nhập khẩu gas về 0%, giá gas đồng loạt giảm 16.000 đồng/bình 12 kg.
Ngày 10-3-2012, gas tiếp tục giảm thêm 10.000 đồng/bình 12 kg, giá bán lẻ hiện hành từ 451.000 đồng đến 514.000 đồng/bình 12kg.
Bớt chiết khấu đi, vẫn giảm giá được nữa

Giá gas tăng mấy lần, thêm cả trăm nghìn. Giờ giảm có 10.000 đồng thì chẳng bõ bèn gì. Giá gas vẫn ở mức cao. Theo tôi giá gas cao một phần do các đại lý làm giá. Tăng cao quá mất không ít khách hàng. Tôi nghĩ giá gas vẫn có thể giảm tiếp được. Bớt chiết khấu đi. Lãi ít mà bán được nhiều còn hơn lãi nhiều mà không bán được cho ai, người tiêu dùng cũng bớt phải oằn mình xoay xở.

Anh Nguyễn Minh Hiếu (Hoàng Mai, Hà Nội)

Luẩn quẩn chi cho khâu phân phối

Đại lý giảm giá nhưng mấy anh vận chuyển lại xin 10.000 đồng vì xăng mới tăng giá. Luẩn quẩn mãi chẳng bớt được bao nhiêu. Chi tiêu hàng tháng càng eo hẹp, người lao động càng phải “thắt lưng buộc bụng”. Tôi cho rằng, phải kiểm tra kỹ thông tin lỗ, lãi của các doanh nghiệp kinh doanh gas, cứ nói chung chung, nương theo giá thế giới rất khó thuyết phục. Tăng giá cao vút, giảm giá nhỏ giọt sẽ làm mất niềm tin của người tiêu dùng.

Chị Hoàng Ngọc Minh (Lê Duẩn, Hà Nội)