Tăng giờ làm thêm phải được sự đồng ý của người lao động

ANTD.VN - Việc kéo dài thời gian làm việc trong ngày giúp doanh nghiệp tăng sự linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời giúp người lao động nâng cao thu nhập.

 

Doanh nghiệp huy động làm thêm giờ nhiều tháng liên tục sẽ phải bố trí thời gian nghỉ hợp lý

Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có điều chỉnh quy định làm thêm giờ. Theo quy định của pháp luật hiện hành, số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ/năm; trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Tuy nhiên qua đánh giá thực tế quá trình thực thi cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang vi phạm quy định này, do yêu cầu về các đơn hàng xuất khẩu nên số giờ tăng ca lớn hơn.

Để "cởi trói" cho những doanh nghiệp thường xuyên sản xuất các đơn hàng theo mùa vụ, dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đưa ra phương án nâng khung thoả thuận về giờ làm thêm giữa người lao động và người sử dụng lao động.

Theo ông Mai Đức Thiện, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), việc mở rộng khung thoả thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động về thời giờ làm thêm để tăng sự linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng cao thu nhập của người lao động khi làm thêm giờ.

Tuy nhiên để bảo vệ quyền lợi của bên yếu thế hơn trong quan hệ lao động, cơ quan soạn thảo đề xuất quy định, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi nhận được sự đồng ý của người lao động.

Trên cơ sở đó, dự thảo sửa đổi Luật Lao động có nêu 2 phương án. Phương án 1, quy định số giờ làm thêm tối đa là 200 giờ trong 01 năm, trường hợp đặc biệt doanh nghiệp có nhu cầu và người lao động đồng ý thì hai bên thỏa thuận làm thêm giờ  không quá 400 giờ trong 01 năm.

Phương án 2, giữ nguyên quy định hiện hành về giờ làm thêm trong ngày. Tức là trong 1 ngày, người lao động được làm thêm tối đa 50% số giờ chính thức của 1 ngày.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định Chính phủ sẽ quy định chi tiết điều kiện tổ chức làm thêm giờ  nhằm hạn chế tác động đến sức khỏe nghề nghiệp của người lao động. Việc huy động người lao động làm thêm giờ nhiều tháng liên tục sẽ phải đi cùng điều kiện ràng buộc doanh nghiệp như: phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý, cũng như các đãi ngộ cho người lao động khi tổ chức làm thêm giờ.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cho rằng, khi xem xét đề xuất tăng giờ làm thêm phải xem xét nhiều yếu tố. Thời gian làm việc dài trong một tuần liên tục thường đi kèm tình trạng mệt mỏi, dẫn tới các vấn đề về sức khỏe.

Vì thế, phải cân nhắc, cân đối để đưa ra mức nào đó để vừa giải quyết được những khó khăn của doanh nghiệp nhưng vừa đảm bảo được quyền lợi cũng như sức khỏe của lao động.