Tăng giá các mặt hàng cơ bản: Sức ép nặng nề

ANTĐ - Mặc dù các chuyên gia đánh giá, thời điểm tăng giá điện ngày 1-8 là tương đối hợp lý, nhưng trong bối cảnh xăng dầu, gas, sữa... đều đồng loạt điều chỉnh giá thì đây là sự bất lợi đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng như chi tiêu của người dân.
Tăng giá các mặt hàng cơ bản: Sức ép nặng nề ảnh 1
Nhiều mặt hàng như gas, điện tăng giá khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu. 
Ảnh: Phú Khánh


Doanh nghiệp lo ngại tồn kho tăng

Bày tỏ quan điểm về việc giá điện tăng thêm 5%, ông Nguyễn Tiến Nghi- Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng: “Doanh nghiệp thép đang khó khăn và về tâm lý, không doanh nghiệp nào muốn bị tăng chi phí sản xuất, nhưng ngành điện cũng có cái lý của họ”. Theo VSA, tăng giá điện thêm 5% khiến đầu vào sản xuất ngành thép tăng thêm 50.000 đồng/tấn thép thành phẩm. Hiện tại, các doanh nghiệp thép đã phải bán dưới giá thành nên tăng thêm bao nhiêu thì khó khăn chồng lên thêm bấy nhiêu.

Cùng chung nhận định này, ông Đào Duy Kha- Phó Tổng giám đốc công ty Nhựa Việt Nam cho hay, với đặc thù của ngành sản xuất sử dụng nhiều điện nên việc tăng giá đương nhiên bị ảnh hưởng. Trong cơ cấu giá thành sản phẩm nhựa, chi phí điện chiếm khoảng 10%. “Điện tăng giá thêm 5% thì không ảnh hưởng lớn tới giá thành. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng tồn kho nhiều, sản xuất với giá điện cũ đã khó tiêu thụ hàng nay với giá điện mới, hàng buộc phải bán với giá cao hơn, càng khó cho doanh nghiệp”- ông Đào Duy Kha nói. 

Lãnh đạo doanh nghiệp này cũng chia sẻ thêm, tỉ trọng giá xăng dầu trong chi phí lưu thông vận chuyển không lớn, chỉ khoảng 4-5% giá thành. Nhưng đầu vào tăng giá thì ít nhiều ảnh hưởng tới tình trạng tồn kho hiện nay.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá điện tăng 5% vẫn ảnh hưởng tới giá mặt bằng sản xuất. CPI tháng 9 tới chắc chắn sẽ tăng cao hơn. “Động  thái điều chỉnh giá này đã ảnh hưởng tới giá cả tiêu dùng. Vì vậy, người dân sẽ phải tăng chi phí”- chuyên gia Nguyễn Minh Phong nói.

Người dân thắt lưng buộc bụng

Chị Hiền Mai (Xuân Thủy- Dịch Vọng Hậu- Cầu Giấy) than thở: “Điện, xăng dầu, sữa, gas tăng giá liền một lúc làm tôi lo quá. Mặt hàng gì trong số đó  gia đình tôi cũng đều phải sử dụng hàng ngày. Chắc chỉ vài ngày nữa, ra chợ rau xanh, thịt cá cũng đều tăng”. Theo chị Mai, việc tăng chi trong ngày đầu tiên của tháng 8 này là khi mua sữa cho con tại một đại lý ở Nghĩa Tân, sữa Gain Plus của Abbott loại 900g đã được đổi tên thành Similac Gain Plus. Kèm theo đó là hộp sữa tăng giá từ 443.000 đồng trước đó lên 488.000 đồng. “20 ngày nữa thanh toán hóa đơn điện, lúc đó sẽ biết thực tế đợt tăng giá điện thêm 5% sẽ làm gia đình mình phải trả thêm bao nhiêu”- chị Mai thấp thỏm.

Tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, với biểu giá bán điện mới ban hành, các hộ nghèo và thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng sẽ không tăng chi, các hộ sử dụng điện sinh hoạt 100 kWh/tháng tăng chi 6.800 đồng/tháng; sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 10.650 đồng/tháng; sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 15.500 đồng/tháng; sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 26.000 đồng/tháng; sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 37.200 đồng/tháng. Tuy nhiên, đây mới là tác động trực tiếp. Trên thực tế, tác động gián tiếp rất khó đo đếm và lường trước. 

Lo lắng trước việc hàng loạt mặt hàng tiêu dùng tăng giá, bà Nguyễn Thị Sen (bán rau tại chợ Phùng Khoang, quê ở Mê Linh) bày tỏ: “Chỉ người nông dân là khổ. Đi cả buổi chợ được gần trăm nghìn đồng mà chi phí gì cũng tăng. Không muốn tăng cũng chẳng được, chỉ còn cách thắt lưng buộc bụng để trang trải sinh hoạt cho gia đình”.

Đánh giá về thời điểm tăng giá điện, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng đây là thời điểm khá hợp lý. Tuy nhiên, khi hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác như: sữa, gas, xăng dầu đều tăng thì diễn biến giá cả sẽ khó lường. Vì vậy, cần thận trọng khi điều hành giá cả, tránh những cú sốc đối với nền kinh tế cũng như người dân.