Tăng cường quản lý Nhà nước về lao động, việc làm

ANTĐ - Bên lề Quốc hội, PGS - TS Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Thường trực - Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đã trao đổi với báo chí một số vấn đề về chính sách liên quan đến người lao động hiện nay.

- Có ý kiến cho rằng, khả năng “vỡ” quỹ bảo hiểm thất nghiệp luôn thường trực, bà đánh giá thế nào về chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong giai đoạn hiện nay?

- Việc chuyển chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ Luật Bảo hiểm xã hội sang Dự án Luật Việc làm là phù hợp. Còn việc tính toán về khả năng vỡ quỹ bảo hiểm thất nghiệp hay không, phải có sự tính toán khoa học và phải có sự liên kết phối hợp giữa các quỹ bảo hiểm với nhau.

Thực tế trong thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này chưa được sát sao, dẫn đến việc một số người lao động lợi dụng bảo hiểm thất nghiệp để xin thất nghiệp, trong trường hợp doanh nghiệp vẫn có thể tạo việc làm cho người lao động, nhưng với mức lương thấp.  

- Như vậy, cần phải có đối sách gì với tình trạng này, theo bà?

- Muốn chính sách đi vào cuộc sống và thực sự phát huy hiệu quả, quan trọng nhất là phải tăng cường quản lý Nhà nước đối với các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi, trong đó bao gồm cả việc hoạch định chính sách, giám sát thực thi chính sách.

- Xin bà nói cụ thể hơn!

- Vừa qua, nhiều ý kiến ĐBQH thắc mắc, thậm chí nghi ngờ về số liệu thống kê lượng người thất nghiệp, bởi trong khi số doanh nghiệp đóng cửa, giải thể tăng mạnh, thì số người thất nghiệp lại không tăng. Tôi cho rằng, thống kê của Tổng cục Thống kê là có cơ sở, bởi Tổng cục Thống kê căn cứ theo tiêu chí đã được quy định trong luật, cũng như các văn bản hiện hành. Do vậy, vấn đề đặt ra là phải xem xét lại hệ thống tiêu chí để làm cơ sở đánh giá thế nào là tạo ra một việc làm mới? Thế nào là thất nghiệp? Các tiêu chí hiện nay đã chuẩn chưa và cần phải bổ sung những tiêu chí nào?

- Vậy theo bà, để hoạch định được chính sách phù hợp với người lao động, cần phải có biện pháp căn cơ gì?

- Tôi cho rằng, khi đưa ra tiêu chí về một việc làm mới, chúng ta phải dựa trên hai yếu tố cơ bản là mức lương tối thiểu và thời hạn để duy trì mức lương tối thiểu. Không nên coi người lao động đăng kí đi làm 2-3 tháng, sau đó nhảy việc sang chỗ khác là việc làm mới, mà đó chỉ coi là lao động thời vụ. Nếu xây dựng được bộ tiêu chí chuẩn về việc làm mới và thất nghiệp, chúng ta sẽ đưa ra được những con số thống kê sát với thực tế và từ đó có thể tiên lượng, hoạch định chính sách phù hợp. Khi đó mới có thể nói quỹ bảo hiểm thất nghiệp có vỡ hay không vỡ.