Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý sai phạm trong lực lượng CAND

ANTĐ - Ngày 28-9, đồng chí Trần Đại Quang- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của CBCS CAND.

CBCS công an phải chấp hành nghiêm chỉnh điều lệnh, quy tắc ứng xử khi tiếp xúc với nhân dân

Thời gian qua, công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quản lý CBCS CAND đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức, thái độ, trách nhiệm của CBCS trong công tác, chiến đấu; tỷ lệ CBCS sai phạm giảm; xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến, dũng cảm chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ ANTT. Tuy nhiên, ở một số đơn vị, địa phương đã xảy ra các vụ việc có liên quan đến sai phạm của CBCS, gây bức xúc trong dư luận. Một số đối tượng xấu đã lợi dụng để kích động tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, đập phá phương tiện, trụ sở làm việc, gây thương tích nặng cho nhiều CBCS… Tình hình đó tác động xấu đến ANTT, làm giảm uy tín của lực lượng CAND.

Để khắc phục tình trạng trên, góp phần quan trọng đảm bảo ANTT và xây dựng lực lượng CAND thực sự trong sạch, vững mạnh, Chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an đã xác định các nhiệm vụ, yêu cầu trọng tâm đối với toàn lực lượng CAND. Cụ thể, cấp ủy, lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quần chúng của Đảng; tư tưởng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân đối với cán bộ, chiến sĩ. Công an các đơn vị địa phương, các lực lượng phải chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm và tập trung xử lý tốt các tình huống phức tạp về ANTT; không để phát triển thành “điểm nóng”.

Yêu cầu quan trọng được đặt ra trong Chỉ thị của đồng chí Bộ trưởng là CBCS trong khi thi hành công vụ phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế, quy trình công tác, điều lệnh, quy tắc ứng xử; lễ tiết, tác phong đúng mực, lời nói, thái độ có văn hóa. Phải hết sức khôn khéo, bình tĩnh, linh hoạt, sáng tạo, giải quyết tốt các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ và pháp luật; không được đối đầu gây xung đột với nhân dân… Cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị phải đề cao trách nhiệm, tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra; quản lý các mặt công tác, hoạt động, sinh hoạt của CBCS, nhất là đối với các lực lượng thường xuyên quan hệ, tiếp xúc với nhân dân. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm. Việc xử lý phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan; nghiêm cấm việc bao che, né tránh, báo cáo không trung thực. Những đơn vị, địa phương trong năm có nhiều CBCS vi phạm kỷ luật nghiêm trọng hoặc để xảy ra tình trạng CBCS vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong nhân dân, thì thủ trưởng đơn vị, địa phương là người chịu trách nhiệm chính.

 Lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương phải duy trì thường xuyên kiểm tra việc chấp hành điều lệnh nội vụ, quy chế, quy trình công tác.  Vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan tuyên truyền, báo chí của lực lượng công an cũng được xác định cụ thể, là phải chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, tuyên truyền ngoài ngành tăng cường tuyên truyền về những thành tích, những việc làm tốt, những tấm gương dũng cảm trong đấu tranh phòng chống tội phạm, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến của lực lượng công an. Các đơn vị phải tổ chức tiếp thu ý kiến của nhân dân, của các cơ quan Nhà nước và báo chí đối với lực lượng công an. Hàng tháng, cấp ủy và thủ trưởng đơn vị phải tổng hợp ý kiến góp ý để xem xét, xử lý kịp thời những ý kiến phản ánh của nhân dân.