Tận dụng triệt để "lệ làng", chủ nhà Malaysia 'trình' thể thức bốc thăm lạ đời

ANTD.VN - Sau khi tự ý hạ độ tuổi quy định môn bóng đá nam SEA Games 2017 xuống U22, chủ nhà Malaysia tiếp tục đưa ra thể thức bốc thăm lạ đời, tự cho mình quyền chọn bảng đấu.

Cụ thể, môn bóng đá nam có 11 đội trong khu vực Đông Nam Á tham gia sẽ được chia làm 2 bảng (một bảng 5 đội và một bảng 6 đội). Đương kim vô địch Thái Lan và á quân Myanmar lần lượt được xếp hạt giống A1, B1 ở mỗi bảng. Cách xếp này khác với lệ thông thường là chủ nhà và đương kim vô địch chọn làm hạt giống nằm ở hai bảng khác nhau.

Điểm "lạ đời" hơn ở thể thức bốc thăm vừa được công bố, là sau khi bốc thăm ngẫu nhiên các đội hạt giống A2, A3, A4, B2, B3, B4, tức là đã rõ 8 đội của 2 bảng, chủ nhà Malaysia sẽ tự chọn bảng cho mình và 2 đội chưa bốc thăm nghiễm nhiên sẽ nằm tại bảng 6 đội.

SEA Games 29 chưa khởi tranh đã nóng với lệ làng do chủ nhà Malaysia áp đặt

Với cách bốc thăm lạ đời này, chủ nhà Malaysia nghiễm nhiên chọn cho mình bảng nhẹ nhất và có ít đội hơn (5 so với 6 đội), đồng nghĩa số trận phải đá ở vòng bảng ít hơn một trận so với bảng còn lại. Điều này giúp họ có thêm lợi thế khi bước vào thi đấu bán kết.

Một viễn cảnh hoàn toàn có thể xảy ra là Việt Nam phải cùng bảng với Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines và Timor Leste, trong khi Malaysia "thảnh thơi" chọn bảng có Myanmar, Lào,Campuchia, Brunei.

Tương tự với môn bóng đá nữ, đương kim vô địch Thái Lan và á quân Việt Nam lần lượt chọn làm hạt giống A1, B1. Sau khi bốc thăm ngẫu nhiên 2 suất A2 và B2, chủ nhà Malaysia sẽ được quyền chọn bảng để tránh đối thủ mạnh còn lại là Myanmar.

Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hoài Anh xác nhận VFF đã nhận được thông báo về thể thức bốc thăm do chủ nhà SEA Games 2017 gửi. Dù cho rằng cách bốc thăm này là bất cập, song ông Lê Hoài Anh cho biết chủ nhà SEA Games được quyền ra điều lệ.

Điều này tương tự với việc trước đó chủ nhà Malaysia quy định độ tuổi môn bóng đá nam là U22, thay vì U23 như các kỳ SEA Games trước. Quy định này giúp chủ nhà SEA Games tận dụng triệt để lứa U22 tài năng của mình, đồng thời loại bỏ lứa U23 đang độ chín của các địch thủ như Thái Lan, Việt Nam, Singapore...

Có lẽ, cũng bởi với "đặc quyền" được phép ra điều lệ mà SEA Games đến nay vẫn bị ví là "ao làng". Trước bóng đá, nhiều môn thể thao trong hệ thống thi đấu SEA Games cũng đã chứng kiến những điều lệ lạ đời do chủ nhà quy định nhằm có lợi cho mình. Những giọt nước mắt vì ấm ức của các VĐV, trong đó có VĐV Việt Nam vì thế mà kỳ đại hội nào cũng tuôn rơi.