- Nghiện tình dục ảo và những vụ loạn luân thật!
- Giao cấu với xác chết - Tội phạm hay hiện tượng lệch lạc về tình dục
- Tâm thần loạn dục (1): Nam sinh mới lớn khoái trộm đồ lót phụ nữ
Ở 3 kỳ đã qua, chúng tôi đã giới thiệu tới độc giả những câu chuyện thực tế về các trường hợp mắc chứng tâm thần loạn dục, cũng như “điểm danh” các thể loạn dục mà con người từng ghi nhận.
Với sự hỗ trợ chuyên môn từ TS. BS Nguyễn Doãn Phương – Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, chúng tôi xin “chốt” lại loạt bài này bằng những thông tin về nguyên nhân dẫn tới loạn dục, cách phân biệt người mắc tâm thần loạn dục với người có nhu cầu tình dục cao (nhưng không mắc bệnh), cũng như một số hướng điều trị hiện nay.
Vì đâu người ta mắc chứng tâm thần loạn dục?
Nguyên nhân dẫn tới tâm thần loạn dục khá đa dạng, gồm nhiều yếu tố khác nhau.
Chứng bệnh này có thể bắt nguồn từ sự rối loạn quá trình phát triển tâm lý trong thời thơ ấu, như người bệnh từng bị lạm dụng tình dục chẳng hạn. Hoặc họ bắt chước các hành vi tình dục lệch lạc từ những văn hóa phẩm đồi trụy. Trên thực tế, y học đã ghi nhận những trường hợp bị khởi phát bệnh từ lối sống buông thả, không kiểm soát.
Những người mắc chứng loạn dục có thể rất khổ sở vì không biết tại sao mình lại "khác người" như thế. Ảnh minh họa.
Về mặt sinh học, bệnh nhân mắc tâm thần loạn dục có thể bị rối loạn hormone, đặc biệt là hormone testosterone và chất chuyển hóa của nó là 5α-dihydrotestosterone. Ngoài ra, sự rối loạn này còn có vai trò của hormone oestrogens và LH.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh, như Dopamin, Serotonin, gây ra sự lệch lạc tình dục.
Một số nguyên nhân khác dẫn tới loạn dục có thể là do gen di truyền, hoặc các bệnh lý rối loạn tâm thần đồng diễn khác, như: Các rối loạn cảm xúc, rối loạn loạn thần, rối loạn sử dụng chất, sa sút trí tuệ (đặc biệt là sa sút trí tuệ liên quan đến thùy thái dương hoặc thùy trán).
Tình trạng loạn dục cũng có thể gặp trên bệnh nhân bị rối loạn nhân cách, đặc biệt là rối loạn nhân cách ranh giới, rối loạn nhân cách chống đối xã hội…
Phân biệt bệnh nhân mắc loạn dục với… người có nhu cầu tình dục cao
Trên thực tế, có những người không hề mắc chứng tâm thần loạn dục, nhưng vẫn lạm dụng tình dục một cách bất thường để thỏa mãn nhu cầu bản thân.
Để chẩn đoán và phân biệt, y học tâm thần hiện nay đưa ra các tiêu chuẩn để so sánh, đánh giá và nhận định. Có 2 hệ thống phân loại và chẩn đoán tâm thần loạn dục là DSM-5 và ICD-10, sắp tới sẽ là ICD-11.
Người bị nghi mắc loạn dục phải có hành vi tình dục bất thường kéo dài ít nhất 6 tháng
Khi đứng trước một trường hợp bị nghi mắc tâm thần loạn dục, các nhà lâm sàng phải thăm khám toàn diện, tỉ mỉ, khám và phát hiện các rối loạn tâm thần đi kèm, có thể sử dụng thêm các trắc nghiệm tâm lý để hỗ trợ chẩn đoán.
Bệnh nhân phải có các hành vi tình dục bất thường như đã nêu ở kỳ 2 và kỳ 3, và các hành vi đó mang tính chất mãnh liệt, tái phát nhiều lần, gây đau khổ, làm giảm sút các chức năng về học tập, nghề nghiệp, xã hội... cũng như các chức năng quan trọng khác của người bệnh.
Đặc biệt, cần chú ý rằng, các triệu chứng tình dục bất thường phải kéo dài ít nhất 6 tháng để đi tới quá trình thăm khám và chẩn đoán, kết luận.
Điều trị người mắc chứng loạn dục như thế nào?
Thông thường, những người mắc chứng loạn dục sẽ tới cơ sở y tế để khám trong những tình huống như: Bị bắt buộc do yêu cầu của gia đình, người thân; hoặc người bệnh là những tội phạm tình dục bị buộc phải điều trị.
Đây là những đối tượng có rất ít hoặc không có động cơ để thay đổi hành vi tình dục của mình, dẫn tới việc điều trị thường rất hạn chế.
Có tình huống khác tích cực hơn là khi người bệnh lo lắng về hành vi tình dục bất thường của bản thân. Họ tự nhận thức được tình trạng “không giống người bình thường”, cảm thấy hoang mang, sợ hãi và tình nguyện đi khám để hy vọng không còn những hành vi tình dục bất thường nữa.
Một khi bị xác định mắc tâm thần loạn dục, bệnh nhân phải được cung cấp quá trình điều trị thích hợp để dứt bệnh
Quá trình điều trị hiện nay phải kết hợp nhiều liệu pháp khác nhau, như liệu pháp tâm lý, liệu pháp hóa dược, giáo dục sức khỏe giới tính…
Trong đó, liệu pháp tâm lý gồm nhiều loại như liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp tâm lý nhóm, tâm lý gia đình…
Đặc biệt quan trọng là liệu pháp nhận thức hành vi: Mục đích là thay đổi niềm tin và thái độ có liên quan tới sự thiếu đồng cảm với nạn nhân, do các hành vi mà họ gây ra, đồng thời thực hiện các kỹ năng kiềm chế xung động.
Các liệu pháp tâm lý khác có thể kể đến như liệu pháp phân tâm, hay giải mẫn cảm có hệ thống. Hiện nay, phương pháp giải mẫn cảm có hệ thống được dùng nhiều hơn, khi người bệnh được huấn luyện thư giãn, và trong sự yên tĩnh đó, họ hình dung các tình huống kích thích sự thôi thúc loạn dục, và tưởng tượng đang từ bỏ chúng.
Trong khi đó, liệu pháp hóa dược được áp dụng cho những người bệnh có các bệnh lý tâm thần kết hợp, như rối loạn tâm thần, rối loạn cảm xúc, rối loạn nhân cách…
Bác sĩ điều trị có thể chỉ định cho bệnh nhân dùng các thuốc chống loạn thần, đặc biệt là những loại thuốc chống loạn thần mới như Risperidone, Olanzapine… Hoặc sử dụng các thuốc chống trầm cảm, đặc biệt là chống trầm cảm SSRI như Sertraline, Paroxetine… để tăng hiệu quả điều trị.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung các thuốc chống lại tình trạng gia tăng hoạt động tình dục quá mức ngoài tầm kiểm soát của người bệnh. Ở bệnh nhân nam, có thể điều trị hiệu quả với tác động làm giảm hormone sinh dục nam testosterone.
Phương pháp giáo dục sức khỏe sinh sản sớm cho trẻ em cũng được các bác sĩ khuyến nghị, vì những kiến thức cần thiết đó sẽ giúp trẻ hiểu hơn về sức khỏe sinh sản, tránh tiếp xúc với những văn hóa phẩm đồi trụy, độc hại…
-----
Như vậy, Báo ANTĐ đã hoàn thành 4 kỳ nội dung về đề tài tâm thần lệch lạc tình dục (loạn dục), với hy vọng có thể chuyển tải những thông tin tổng quát, đầy đủ và dễ hiểu về chứng bệnh này tới độc giả. Qua đây, chúng tôi mong muốn xã hội sẽ nhận thức được những “kẻ biến thái”, “kẻ dị hợm”… có thể là bệnh nhân mắc chứng tâm thần và cần được điều trị tại cơ sở y tế phù hợp.
Xin được nhắc lại rằng, kể cả trường hợp được xác định mắc tâm thần loạn dục, người bệnh vẫn phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật.
Qua đây, chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới TS. BS Nguyễn Doãn Phương – Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, vì ông đã sát cánh và hỗ trợ chuyên môn nhiệt tình để PV Báo ANTĐ thực hiện đề tài nói trên.
Tâm thần loạn dục (1): Nam sinh mới lớn khoái trộm đồ lót phụ nữ
Tâm thần loạn dục (2): Ấu dâm, phô dâm - Những loại loạn dục quái gở
Tâm thần loạn dục (3): Những thể loạn dục hiếm gặp và ghê sợ nhất