Tâm linh… bấn loạn

(ANTĐ) - Liên tục trong những ngày ra Tết, báo chí đã phản ánh những hình ảnh phản cảm, mặt trái của các lễ hội đang nở rộ khắp mọi miền đất nước. Lễ hội là biểu hiện của một đất nước thanh bình, đời sống vật chất và tinh thần thăng hoa. Đến với lễ hội, người người cảm thấy phấn chấn và yên ổn hơn. Đến với lễ hội là để tìm thấy những phút giây thư thái, những khoảng lặng thanh sạch tâm hồn và để nạp thêm “năng lượng” cho cuộc sống. Nhưng tiếc thay…

Tâm linh… bấn loạn

(ANTĐ) - Liên tục trong những ngày ra Tết, báo chí đã phản ánh những hình ảnh phản cảm, mặt trái của các lễ hội đang nở rộ khắp mọi miền đất nước. Lễ hội là biểu hiện của một đất nước thanh bình, đời sống vật chất và tinh thần thăng hoa. Đến với lễ hội, người người cảm thấy phấn chấn và yên ổn hơn. Đến với lễ hội là để tìm thấy những phút giây thư thái, những khoảng lặng thanh sạch tâm hồn và để nạp thêm “năng lượng” cho cuộc sống. Nhưng tiếc thay…

Những giá trị ngàn đời cha ông ta để lại đã và đang thất truyền gần hết. Ngoại trừ một số lễ hội hướng về cội nguồn như Lễ hội Thánh Gióng, Đền Hùng gắn liền với truyền thống và lịch sử dân tộc, còn lại hàng nghìn lễ hội đang bị xuống cấp, biến tướng, thương mại hóa và tệ nạn hóa đến mức đáng lo ngại. Năm nào cũng vậy, đến hẹn lễ hội lại diễn ra tình trạng ùn tắc đường từ sáng tinh mơ đến đêm khuya. Ban tổ chức rồi chính quyền địa phương hầu như đã “tổng động viên” mọi lực lượng nhưng vẫn “lực bất tòng tâm”.

Ngay từ vòng ngoài lễ hội đã tắc nghẽn, chen chúc, hỗn độn, mất trật tự. Chen chân được vào bên trong là cả một cuộc “hành xác” kinh hoàng. Tình trạng “vỡ hội” ở Yên Tử, cáp treo quá tải trục trặc ở chùa Hương khiến hàng nghìn người hú vía. Tuy nhiên khi chìm ngập trong dòng người chen lấn, xô đẩy mới thực sự khủng khiếp, kinh hồn. Người người chen chúc, bưng đội mâm lễ tú ụ. Khói hương mù mịt, sặc sụa, ngạt thở. Người ta chen nhau nhét tiền vào tay, chân các vị bồ tát, la hán. Người ta dúi tiền cả dưới những gốc cây, phủ ngập cả những bức tượng thánh, tượng Phật. Đâu đâu cũng bày hòm công đức.

Chỗ nào cũng xì xụp khấn vái cầu xin tài lộc, nhà cửa, đất đai và cả chức quyền. Trong sự hỗn độn như vậy, nạn trộm cắp ví tiền, điện thoại di động của người đi lễ là dễ hiểu. Đến mức, một số nơi các nhà tu hành đã phải “trà trộn” vào đám đông để tóm bắt kẻ gian. Trong sự xô bồ như thế, các dịch vụ lễ thuê, đổi tiền, viết sớ, bói toán được dịp làm ăn. Rồi các dịch vụ trông xe, ăn uống cũng có cơ hội “chặt chém” khách thập phương. Đó là chưa kể các tệ nạn đỏ đen, cờ bạc cũng như các hình thức “vui chơi” có thưởng, giải trí trá hình moi tiền… diễn ra ngay tại các lễ hội.

Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, vậy mà tại Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy vừa diễn ra, hàng chục người bị “lèn chặt” đến mức ngất xỉu. Lễ hội là văn hóa tâm linh, vậy mà lễ hội chưa tan, cuộc vui chưa trọn vẹn, rác thải đã ngập ngụa, tràn đầy từ trong chùa, đền ra đến ngoài cửa tam cấp, nơi hàng quán, bãi đỗ xe và trên những con đường dẫn đến lễ hội. Không thể không đặt câu hỏi: Lễ hội là văn hóa tâm linh. Tâm linh như thế nào liệu có phải là biểu hiện của sự bấn loạn? Có cách nào “tẩy rửa” cho sạch để trả lại cho lễ hội đúng nghĩa?

Đan Thanh