Tâm bão số 3 đi vào khu vực Thái Bình- Nghệ An

ANTĐ - Ngoài khơi Philippines lại xuất hiện thêm 1 cơn bão mới. Cơn bão này tương tác  với bão số 3 sẽ khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng 29-7, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 180km về phía Bắc với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 12-13. Đến sáng ngày mai 30-7, tâm bão chỉ còn cách bờ biển Thái Bình - Nghệ An khoảng 320km về phía Đông với sức gió không đổi. Và khoảng, đêm sang sáng ngày 31-7, bão sẽ đổ bộ vào khu vực Thái Bình- Nghệ An, thời điểm này, bão đạt cấp 9-10, giật cấp 11-12.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc trung tâm DBKTTV Trung ương cho biết, hiện áp thấp ngoài khơi Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế Muifa. Sáng nay, bão Muifa đạt cấp 9 và tiếp tục mạnh dần lên, tương tác với bão số 3 khiến diễn biến của bão số 3 trở nên phức tạp.

Tương tác giữa 2 cơn bão khiến bão số 3 có chiều hướng đi xuống hoặc đi ngang, tức là chệch xuống khu vực Bắc Trung bộ thay vì dự đoán đổ bộ vào Bắc bộ như trước đó. "Tâm bão có khả năng đi vào Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, thời gian đổ bộ từ đêm 30-7 đến rạng sáng 31-7, khi cập bờ đạt cấp 10", ông Tăng nhận định. Song, ông Tăng cũng tỏ ra lo ngại, nếu bão số 3 đổ bộ sớm vào đêm 30-7, tức đúng thời gian triều cường lên cao, do vậy, có thể khiến nước biền dâng cao, sóng biển gần bờ cao từ 4-5m.

Về mưa sẽ chủ yếu tập trung khi bão đổ bộ chứ sau đó thì không nhiều. Mưa xuất hiện từ trưa mai, 30-7 và kéo dài tới 1-8. Trọng tâm mưa lớn từ Thanh Hóa tới Quảng Bình, 200-300 mm, một số nơi có thể lên đến 400 mm. Các tỉnh nam đồng bằng bắc bộ như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam có lượng mưa từ 100-200 mm; Hà Nội, vùng núi và trung du phía Bắc mưa 50-100 mm.

Bão số 3 và bão Muifa

Trước diễn biến bất thường của bão số 3, tại cuộc họp sáng nay của BCĐ PCLB Trung ương Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã cử hai đoàn công tác đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình để đôn đốc công tác phòng chống bão. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải lên phương án sơ tán dân, chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, các công trình công cộng, trường học, cơ sở y tế. “Việc sơ tán dân phải hoàn thành trước 15 giờ ngày 30-7”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, các địa phương chủ động cấm biển đối với các phương tiện hoạt động ở vịnh Bắc bộ bao gồm cả tầu du lịch, tầu vận tải; hướng dẫn tàu thuyền, lồng bè trên biển vào nơi trú tránh an toàn. Nghiêm cấm người ở lại các chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản và trên tầu thuyền tại khu neo đậu.

Báo cáo  nhanh của Bộ đội biên phòng cho biết, ngày 27-7 tàu QNg95010 với 11 lao động do ông Nguyễn Văn Pho làm thuyền trưởng hành nghề lặn biển ở khu vực quần đảo Trường Sa bị sóng lớn đánh chìm. 11 người trên tàu được tàu Philippines cứu vớt. Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo tiến hành xác minh thông tin về tàu và liên lạc với tàu Philippines để sớm đưa ngư dân được cứu trở về.